Đại dịch Covid-19 đã được các nhà kinh doanh năng động biến từ mối nguy thành cơ hội để tăng trưởng, đặc biệt là với những ngành nghề hoạt động trên nền tảng online. Các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các cửa hàng online đều phối hợp tốt hơn với các dịch vụ vận chuyển để phục vụ khách.

Tâm lý mua hàng thay đổi

Vào đầu tháng 2, Công ty Nghiên cứu thị trường online iPrice Group và Dịch vụ phân tích thị trường cho kinh doanh SimilarWeb đã công bố báo cáo về hoạt động TMĐT ở Việt Nam quý IV/2020, cho thấy sự thay đổi nhu cầu mua sắm ở một số ngành hàng và lượng truy cập của tốp 50 website TMĐT tại Việt Nam.

Báo cáo nghiên cứu thị trường thường kỳ này được iPrice Group thu thập và phân tích từ nghiên cứu lượng truy cập 50 website có trên bản đồ TMĐT Việt Nam dựa theo số liệu của SimilarWeb. Theo đó, quý IV/2020 đánh dấu sự tăng trưởng tích cực cho hầu hết các doanh nghiệp TMĐT, tổng lượt truy cập của tốp 50 website có mặt trong bản đồ TMĐT Việt Nam tăng 13% so với 6 tháng đầu năm. Có thể thấy rằng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân cao hơn (vào cùng kỳ năm 2019, tỉ lệ này đã giảm 8% so với 6 tháng đầu năm).

Theo các nhà phân tích thị trường, một trong những lý do giúp tăng trưởng trong tiêu dùng online là tâm lý mua hàng. Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, tâm lý tiêu dùng tích cực trở lại và vì thế người ta chi tiêu nhiều hơn. Thêm vào đó, ưu đãi mạnh từ các sàn TMĐT cùng đối tác trong các chiến dịch khuyến mại lớn cuối năm 2020 như ngày lễ độc thân (11-11), black friday (27-11), cyber monday (30-11), giảm giá 12-12… là những dịp để người tiêu dùng tranh thủ mua sắm những mặt hàng yêu thích mà trước đó chưa có điều kiện sở hữu (do vấn đề tài chính, giá cả). Theo báo cáo thị trường TMĐT Việt Nam của iPrice Group, sau khi là hai ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong đầu năm 2020, bách hóa và chăm sóc sức khỏe đã có xu hướng ổn định hơn trong 6 tháng cuối năm, đạt mức tăng trưởng lần lượt là 10% và 7%. Ngành thiết bị di động tăng 7% và ngành hàng điện máy tăng 5%. So với 6 tháng đầu năm, mặc dù các chỉ số tăng không quá đột biến nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng khi hầu hết các ngành hàng TMĐT Việt Nam đều đang trên đà phát triển.

Shopee Việt Nam là sàn TMĐT có số lượng truy cập cao nhất, đạt hơn 68,5 triệu lượt truy cập trung bình trong 3 tháng cuối năm, tăng hơn 30,6 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm này, Shopee Việt Nam đã đứng đầu về lượng truy cập trong suốt 10 quý liên tiếp. Điểm sáng trong bản đồ TMĐT Việt Nam là hệ thống Thế Giới Di Động với vị trí thứ 2 từ đầu năm 2021, trở thành doanh nghiệp nội địa có lượt truy cập trung bình cao nhất toàn quốc quý IV/2020 với 31,4 triệu lượt. Đáng chú ý, chuỗi bán lẻ Điện Máy Xanh (cũng thuộc hệ thống Thế Giới Di Động) giành được vị trí thứ 5 với 16,3 triệu lượt truy cập. Ba sàn TMĐT lớn khác ở Việt Nam là Tiki (xếp hạng 3), Lazada Việt Nam (hạng 4) và Sendo (hạng 6) có lượng truy cập trong 3 tháng cuối năm 2020 lần lượt là 22,2 triệu lượt; 20,8 triệu lượt và 11,2 triệu lượt. Trong tốp 10 trên bản đồ TMĐT Việt Nam quý IV/2020, các sàn TMĐT tổng hợp chiếm 4 vị trí, còn lại đều là website bán hàng công nghệ online (trong đó có 4 về di động và 2 về điện máy).

Tăng tốc thương mại điện tử trên nền di động - Ảnh 1.

Giao hàng cho khách đặt mua hàng online Ảnh: Hoàng Triều

Tuy là một sở đoản đối với bản chất loại hình TMĐT và đặc biệt là đối với thế giới phát triển, phương thức thanh toán khi nhận hàng (COD) lại là một ưu thế của TMĐT ở Việt Nam, phù hợp với thói quen mua sắm “tiền trao, cháo múc”. Tất nhiên COD đẩy rủi ro và bất tiện về phía người bán. Vì thế, việc các sàn TMĐT có các giải pháp hợp tác chặt chẽ hơn với các ngân hàng và dịch vụ trung gian thanh toán (như ví điện tử…), đẩy mạnh thanh toán điện tử để phát triển bền vững. Hiện chuyện thanh toán điện tử khi mua hàng online còn nhiều bất cập và ít được khách hàng tin tưởng. Bản thân người viết từng mua hàng trên một sàn TMĐT mà cửa hàng chỉ chấp nhận thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng, để rồi khi bị hủy đơn hàng phải chịu hoàn tiền vào một ví điện tử tích hợp vào sàn TMĐT đó.

2021 được dự báo là một năm vẫn còn nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. Và đây sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức với các website TMĐT, tuy người mua vẫn sẽ ngày càng đông hơn nhưng tính cạnh tranh giữa các website sẽ ngày càng gay gắt hơn. Điều mọi người mong mỏi vẫn là có cơ chế để bảo vệ khách mua hàng online chứ không thể cứ phải mua hàng bằng niềm tin.

Đẩy mạnh ứng dụng live

Bản chất của TMĐT là kinh doanh thương mại trên nền tảng công nghệ. Vì thế, để hoạt động, phát triển và có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng cao, các website – đặc biệt là các sàn TMĐT – buộc ứng dụng công nghệ vào hoạt động của mình.

Các sàn lớn cũng quan tâm tới việc xây dựng hệ sinh thái của mình, bao gồm nhiều lĩnh vực có thể giúp hỗ trợ cho hoạt động mua sắm trên mạng tốt hơn. Các sàn TMĐT sẽ có lợi nhiều khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào hệ thống xử lý của mình. Hệ thống giờ đây có thể nhận diện tốt khách hàng, phân tích và hiểu được khách hàng để có những gợi ý, quảng cáo sản phẩm phù hợp với sở thích của từng khách hàng. Lazada Việt Nam là một trong những điển hình ứng dụng công nghệ để phát triển hoạt động của mình. Phối hợp cùng Google, Lazada hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số để kinh doanh hiệu quả hơn trên môi trường online. Đặc biệt, Lazada đẩy mạnh ứng dụng live làm thay đổi phương thức kinh doanh. Không chỉ tăng cường chiến lược Shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí trên nền tảng, Lazada còn phát triển tính năng LazLive để các cửa hàng có thể livestream quảng cáo sản phẩm và tăng tính tương tác 2 chiều với khách hàng. Trong năm 2020, số lượng đơn hàng thành công thông qua kênh LazLive tăng 45 lần; số lượt khách hàng thường xuyên tương tác với LazGame mỗi ngày tăng hơn 2,5 lần; số lượt khách hàng thu thập xu LazCoin tăng hơn 2 lần, trong đó số lượng xu mỗi khách hàng thu thập cũng cao hơn 3 lần.

Đặc biệt là TMĐT thế giới hiện đang chuyển mạnh và nhanh sang nền tảng thương mại di động khi số lượng người dùng di động chiếm đa số. Và sàn TMĐT nào phát triển được các ứng dụng di động tốt nhất sẽ bảo đảm thành công cao, nhất là tăng được sức cạnh tranh so với các đối thủ. Bây giờ, với tốc độ nhanh và băng thông lớn của mạng 4G, sắp tới là 5G, các sàn TMĐT chỉ còn phải bận tâm tới việc tăng cường các tính năng cho ứng dụng di động của mình. 

Theo Cục TTMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỉ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

PHẠM HỒNG PHƯỚC