Trào lưu ô tô điện đang tạo ra hàng triệu “nhà bảo vệ môi trường bất đắc dĩ”

Thuật ngữ “nhà bảo vệ môi trường bất đắc dĩ” để chỉ những người sẽ đưa ra lựa chọn vì môi trường nếu nó không đòi hỏi sự hy sinh.

Bob Dykes, chủ một công ty dầu khí ở Wyoming, Mỹ, cho biết ông sắp sắm cho mình một chiếc xe điện đầu tiên. Người đàn ông 69 tuổi tự nhận mình là một người độc lập về chính trị cũng không có quan điểm về hiện tượng nóng lên toàn cầu. 

“Tuy nhiên, không phải Tesla của Elon Musk”, ông nói.

“Con quái vật” 1.000 mã lực mà ông Dykes đặt từ General Motors là chiếc Hummer chạy điện đời mới. Đây là chiếc Hummer thứ ba mà Dykes sở hữu, nó có giá đắt nhất trong cả ba, 112.595 USD. 

Những “nhà bảo vệ môi trường bất đắc dĩ”

Hàng trăm nghìn khách hàng đã đặt mua chiếc Hummer EV, xe bán tải chạy điện của công ty khởi nghiệp Rivian của Mỹ hoặc Cybertruck của Tesla. Nhiều người bày tỏ sự quan tâm đến các mẫu SUV chạy điện như Toyota bZ4X và Mercedes-Benz EQB, cũng như các phiên bản chạy điện của xe bán tải như Ford F-150 và Chevy Silverado, họ hàng gần của Hummer.

Những chiếc xe này được quảng cáo với những hứa hẹn về thời lượng pin dài, năng suất kéo cao, tất cả các tính năng bổ sung điển hình của xe hạng sang tầm trung… Tuy nhiên hầu hết không đề cập đến tính năng thân thiện với môi trường. 

Nếu đối tượng khách hàng chính của những chiếc ô tô điện trước đây là những người lo ngại về biến đổi khí hậu, thì những chiếc ô tô mới này lại hướng đến những người lo ngại về tính bền vững. Trong những video quảng cáo cho những phương tiện này, thường thấy những cảnh như đi đường dài, leo dốc, thời tiết khắc nghiệt… cho thấy sự bền bỉ chắc chắn.

Xe phân khối lớn đã và đang là phân khúc béo bở nhất của thị trường ô tô của Mỹ. SUV và Crossover lần đầu tiên chiếm một nửa tổng số xe bán ra tại Mỹ vào năm 2020 và xe bán tải chiếm thêm 20% thị trường.

Bằng cách cung cấp cho người giàu những chiếc xe “xanh”, các doanh nhân và công ty đa quốc gia của Mỹ đang tạo ra một trào lưu mới gồm những “nhà môi trường bất đắc dĩ”, Matthew Kahn, giáo sư kinh tế tại Đại học Nam California nói.

Magali Delmas, giáo sư quản lý tại Đại học California, Los Angeles, cho biết hầu hết mọi người mua đồ dựa trên 5 tiêu chí: chất lượng, giá thành, lợi ích sức khỏe, nâng cao vị thế và kết nối cảm xúc. Delmas sử dụng thuật ngữ “nhà bảo vệ môi trường bất đắc dĩ” để chỉ những người sẽ đưa ra lựa chọn “xanh” nếu điều đó không đòi hỏi sự hy sinh.

Sự kêu gọi của các nhà hoạt động xã hội và làn sóng bảo vệ môi trường, khiến mọi người có xu hướng đưa ra những quyết định thân thiện với môi trường nhiều hơn. Mặc dù Mỹ vẫn chưa thông qua bất kỳ quy định liên bang đáng kể nào về khí thải.

Như Bill Gates lập luận trong cuốn sách mới của mình về việc ngăn chặn thảm họa khí hậu, khi mọi người chi tiền cho các sản phẩm phát thải thấp như xe điện, đó là động lực để các nhà đầu tư đổ tiền vào việc phát triển liên tục các công nghệ mới. Cuối cùng sẽ đưa chúng ta đến một nền kinh tế không phát thải khí nhà kính.

Nếu lập luận này là đúng, thì có nghĩa xe điện càng nhiều càng tốt.

Xe điện liệu có tốt hơn cho môi trường?

Sagar Rambhia, bác sĩ nhãn khoa 26 tuổi ở Los Angeles, là một ví dụ điển hình về một “nhà môi trường bất đắc dĩ”.

Rambhia tiết lộ anh không quan tâm lắm về lượng khí thải từ phương tiện cá nhân của mình, nhưng ủng hộ việc chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Rambhia sở hữu một chiếc Tesla Model S, vì nó phải bảo dưỡng ít hơn xe truyền thống, cho phép đi vào làn đường dành cho xe chung và “cho đến nay đây là chiếc xe nhanh nhất tôi đã từng sở hữu”.

Mặc dù Tesla thường được coi là thân thiện với môi trường hơn so với ô tô chạy bằng khí đốt, thì vẫn có một câu hỏi mở về việc liệu một chiếc Hummer chạy điện có mang lại lợi ích tương tự hay không? Điều đó có thể phụ thuộc vào việc Hummer EV có thay thế được Hummer động cơ đốt trong hay không, hoặc căn cứ vào sức mạnh hút điện tử và khả năng “đi cua” của nó. Theo một số phân tích, nó cũng có thể phụ thuộc vào phương thức sản xuất điện năng của xe, xe điện chạy bằng điện than có thể cũng không tốt hơn cho môi trường.

Ngay cả khi việc sản xuất và sử dụng xe tải điện không tốt hơn nhiều cho môi trường, thì sự phổ biến của chúng có thể mang lại những kết quả thân thiện với môi trường khác.

Nghiên cứu của tiến sĩ Kahn cho thấy, một lựa chọn “xanh” có thể tạo hiệu ứng dây chuyền dẫn đến nhiều lựa chọn “xanh” khác. 

Lựa chọn xanh có thể tạo hiệu ứng dây chuyền
Lựa chọn xanh có thể tạo hiệu ứng dây chuyền

Từ một giám đốc tài chính của công ty bảo hiểm sức khỏe, cách đây 15 năm, Rodney Swan đã có một bước chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp. Anh sống ở Los Angeles, nhưng hiện đang điều hành một trang trại trồng bông và cỏ linh lăng ở Nam California. 

Swan đã mua một chiếc Tesla cách đây vài năm và hiện đang hướng đến sử dụng năng lượng điện tái tạo. Trang trại của anh được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời, trước hết để đối phó tình trạng cắt điện định kỳ ở địa phương. Swan cũng cho biết, anh rất mong muốn được thay thế xe bán tải của trang trại bằng loại xe điện tương đương khi chúng được tung ra thị trường. Ford’s F-150 Electric ra mắt vào năm 2022 đang trong tầm ngắm của Swan.

Tiến sĩ Kahn cho biết: “Nếu người tiêu dùng mua nhiều xe điện, chúng sẽ càng ngày càng rẻ hơn. Các nhà sản xuất sẽ học cách làm cho chúng rẻ và phong phú hơn để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đơn cử cho thấy, trong 20 năm qua, giá pin trên toàn cầu đã giảm đáng kể”. 

Một khi pin đủ rẻ để tổng chi phí sản xuất một chiếc xe điện thấp hơn so với một chiếc xe chạy bằng xăng tương đương, thì khách hàng sẽ chuyển sang xe điện nhiều hơn để tiết kiệm chi phí. Một số nhà phân tích tin rằng, thị trường Mỹ đã vượt qua ngưỡng đó.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Delmas cảnh báo, điều này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nếu giá xe điện giảm đủ sâu, nhiều người sẽ chọn lái xe thay vì đi phương tiện công cộng – một phương án tiết kiệm năng lượng hơn rất nhiều.

Trong nhiều năm, các nhà bảo vệ môi trường đã vận động đánh thuế carbon để thúc đẩy người dân lựa chọn năng lượng tái tạo. Theo tiến sĩ Kahn, việc ủng hộ mức thuế như vậy có lẽ sẽ tốt hơn là khuyến khích mọi người mua xe điện và lắp đặt các tấm pin mặt trời. Khi một người đã giảm lượng khí thải carbon của chính mình, thì họ sẵn sàng ủng hộ đánh thuế những người không thực hiện tốt điều đó.

Chính quyền Biden đang thúc đẩy Mỹ cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Đây là một mục tiêu phù hợp với khuyến nghị của hơn 300 nhà lãnh đạo từ những công ty lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên nó lại phụ thuộc nhiều vào sở thích của người tiêu dùng. Các nhà sản xuất ô tô đang cố gắng tìm ra cách để thu hút những khách hàng đang thờ ơ với xe điện bằng cách đưa pin vào những chiếc xe trung bình đến lớn, cả những dòng xe sang và bình dân.

Trong một cuộc thăm dò, nhiều người Mỹ nói rằng họ quan tâm đến xe điện. Tuy nhiên, cho đến nay thị trường này vẫn không bật lên như kỳ vọng. Tesla có thể là một câu chuyện khác, tuy nhiên nó chỉ là một phần nhỏ trong doanh số bán ô tô của Mỹ.

Andreas Nienhaus, đối tác tại Oliver Wyman, công ty tư vấn quản lý chuyên về ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, cho biết, đại dịch đang thúc đẩy nhu cầu đối với cả SUV và EV. Người dân có xu hướng chuyển từ phương tiện công cộng sang phương tiện cá nhân, đặc biệt là những chiếc xe lớn, vì chúng mang lại cảm giác an toàn.

Tương tự, mối quan tâm của người tiêu dùng về bảo vệ môi trường dường như có liên quan đến mối quan tâm về sức khỏe và an toàn, Nienhaus nói thêm.

Vào mùa xuân năm 2020, 34% người trả lời cuộc khảo sát của Oliver Wyman cho biết họ sẽ sẵn sàng mua một chiếc xe điện; tháng 3/2021, con số đó là 51%. Sự gia tăng tương tự đã được chứng minh trên toàn cầu, với tỷ lệ quan tâm đến xe điện tăng gần gấp đôi ở Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh.

Ông Dykes, chủ công ty dầu khí ở Wyoming, cho biết, mặc dù đã trải qua gần 4 thập kỷ trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, yêu thích động cơ đốt trong và từng hoài nghi về những chiếc xe điện, nhưng ông vẫn lạc quan về tương lai của năng lượng tái tạo và phương tiện giao thông chạy bằng điện.

“Chúng ta đều biết, dù sớm hay muộn những chiếc xe điện cũng ra đời. Tôi vẫn thường nói với con cháu rằng, hãy từ bỏ công việc kinh doanh dầu mỏ vào năm 2050”, ông Dykes nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM