Mặt nạ Ka đong của người Dao ở Ba Chẽ đi liền với những tín ngưỡng tâm linh, chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa

Mặt nạ Ka đong của người Dao ở Ba Chẽ không chỉ là tác phẩm điêu khắc độc đáo mà còn đi liền với những tín ngưỡng tâm linh, chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa. Nó có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào.

Những chiếc mặt nạ thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người Dao Thanh Y.

Các lão nghệ nhân xưa lý giải cho việc đeo mặt nạ là sự tái hiện không gian sinh tồn trong quá trình di cư, sinh sống để bảo vệ giống nòi rất cần phải mạnh mẽ để đối diện với thế lực hung hãn, hiểm nguy như quỷ dữ, muông thú, thiên tai, địch họa… Trong lễ cấp sắc, nhân vật Ka đong được coi như đấng thần linh bảo vệ con người, dòng họ và bản làng. Dù có được chế tác với nhiều hình thức khác nhau nhưng mặt nạ gỗ luôn trở thành một phần di sản tinh thần của cả cộng đồng người Dao. Mặt nạ phản ánh chi tiết về nghệ thuật tạo hình của họ, vừa huyền bí vừa đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa.

Để làm được những chiếc mặt nạ như vậy, xưa kia người Dao thường kỳ công chọn những loại cây mọc ở rừng sâu, gỗ nhẹ, ít mấu không bị nứt nẻ hay cong vênh và dễ đục đẽo để chế tác mặt nạ. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những khúc gỗ được đục, đẽo, chạm khắc tạo thành những chiếc mặt nạ có khuôn mặt giống vị thánh, thần như trong sách cổ người Dao. Mặt nạ khi được chế tác, tạo hình sẽ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đúng nghĩa. Các bộ phận trên mặt nạ như mắt, mũi, miệng được cách điệu với đường nét hoang dã, phần nào thể hiện được tính cách, thần thái của nhân vật được tạo hình, thường có sự oai phong, tôn nghiêm như tính cách của các vị thần.

Vì tính chất oai phong tôn nghiêm và sự chế tác kỳ công đó nên xưa kia cả bản làng người Dao có khi chỉ có một vài chiếc mặt nạ Ka đong và không phải ai cũng được tùy tiện đeo vào mặt. Trước khi xuất hiện làm lễ thì người được lựa chọn để đeo mặt nạ tuyệt đối không để ai nhìn thấy mặt. Thường thì người đeo mặt nạ sẽ là thầy mo phải khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, vợ chồng thuận hòa, con cái ngoan ngoãn và đặc biệt ông thầy này phải sành về các điệu múa của người Dao.

Múa Ka đong là một diễn xướng dân gian tổng hợp vô cùng ý nghĩa của người Dao Thanh Y. Thầy mo nhập vai Ka đong khoác một cái bị, một cái nỏ và đeo mặt nạ gỗ sẽ biểu diễn các động tác múa cách điệu như: Đi cày, đi bừa, múa đi cấy, múa đi gặt, diễn trò, chọc ghẹo cô gái, dạy cho con biết đánh võ, đi săn, chống lại muông thú, giặc giã để bảo vệ xóm làng.v.v..

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: Trong lễ cấp sắc của nhóm người Dao, có hai cấp đó là cấp Tam Nguyên và cấp Tam Thanh. Trong cấp Tam Thanh phải có nhân vật Ka đong để hỗ trợ. Những người đàn ông giỏi giang, giỏi đối đáp, giỏi võ thuật sẽ được lựa chọn làm Ka đong. Trong đoàn múa Ka đong bao giờ cũng có một cặp vợ chồng gọi là Màn sấy – Ka đong gì.

Xen lẫn trong màn múa là các hội thoại răn dạy con người, các bài học đạo đức, bài học ứng xử, kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Thầy mo bên cạnh nhiệm vụ cấp sắc còn phải răn dạy đứa trẻ giờ đã thành người lớn rồi phải tiếp nối dòng họ, tuyệt đối không được làm điều xấu, phải hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương giúp đỡ, cứu người.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, mặt nạ người Dao đang bị mai một, gần như mất hẳn. Toàn huyện Ba Chẽ hiện nay không có một nghệ nhân nào có thể chế tác được mặt nạ gỗ. Với tâm huyết và mong muốn nét văn hóa đặc trưng của người Dao không bị mai một, giúp cộng đồng người Dao hiểu sâu sắc hơn về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, tạo sản phẩm du lịch cho khu bảo tồn văn hóa người Dao xã Nam Sơn (Ba Chẽ) đã mở những lớp tập huấn chạm khắc chế tác mặt nạ gỗ Ka đong.
Trước khi chạm khắc mặt nạ, các học sinh Ba Chẽ được các nghệ nhân giới thiệu sơ lược về mặt nạ gỗ, về hình tượng và ý nghĩa các vị thần, các họa tiết quen thuộc. Sau đó, thầy giáo mỹ thuật và những em có năng khiếu về hội họa sẽ phác thảo những mẫu mặt nạ lên giấy và tô màu lên giấy trước. Từ những mẫu hình này, các em học sinh sẽ chọn những miếng gỗ có kích thước phù hợp.

Khi đã chọn xong gỗ, học sinh sẽ bắt đầu đục đẽo, chạm khắc tỉ mỉ từng chi tiết của mặt nạ. Công đoạn đục đẽo xong là đến công đoạn làm sạch bào nhẵn và cuối cùng là tô màu. Tuy phải theo những mẫu mặt nạ có sẵn mô phỏng các vị thần nhưng các em học sinh Ba Chẽ vẫn có thể thỏa sức sáng tạo trong công đoạn đục đẽo và tô màu. Do đó, mặt nạ gỗ thực chất là tác phẩm nghệ thuật có tính chất đơn chiếc và mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân.

Học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ chế tác mặt nạ gỗ.

Em Khúc Thanh Thiên, lớp 8A, Trường Phổ thông DTNT huyện Ba Chẽ, chia sẻ: Cháu rất thích học lớp điêu khắc mặt nạ này, được các thầy hướng dẫn tỉ mỉ nên chúng cháu cũng tự làm được mặt nạ Ka đong. Trong thời gian tới cháu sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thiện làm nhiều mặt nạ hơn nữa.

Qua lớp truyền dạy lần này nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Chẽ nói chung và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc của dân tộc Dao nói riêng. Đồng thời ngăn chặn sự mai một của các giá trị văn hóa, làm cho sự đặc sắc của văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy hơn nữa trong cuộc sống đương đại.

Thầy giáo Lương Văn Khang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT huyện Ba Chẽ, đánh giá: Lớp truyền dạy chạm khắc mặt nạ Ka đong và vẽ tranh thờ của người Dao rất là ý nghĩa đối với học sinh nhà trường. Qua thời gian học các em rất hứng thú và bước đầu đã chế tác được mặt nạ. Chúng tôi cũng mong rằng những lớp truyền dạy này sẽ được nhân rộng và tạo được bản sắc riêng của toàn trường, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện.

Mặt nạ gỗ và múa Ka đong gửi gắm những tâm tư tình cảm, đời sống văn hóa tinh thần có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Dao. Hơn nữa, hoạt động văn hóa tín ngưỡng này còn rất gần gũi với lễ hội halloween hóa trang hiện đại đang khá thịnh hành. Sự tương đồng đó là một gợi ý hay cho những người làm văn hóa, du lịch tạo lập những sản phẩm mới để thu hút du khách.

Huỳnh Đăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM