Tối 26/5 xuất hiện nguyệt thực toàn phần

Hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất trong năm 2021 sẽ diễn ra vào tối 26/5 tới đây.
Một phần của Việt Nam sẽ quan sát được nguyệt thực toàn phần, trong khi những khu vực còn lại sẽ quan sát hiện tượng nguyệt thực một phần với tỷ lệ che phủ rất cao.

Việt Nam chỉ xem được giai đoạn sau của hiện tượng

Nguyệt thực xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng nằm thẳng hàng (hoặc gần như thẳng hàng) với Trái đất nằm giữa.

Vào thời điểm này, Mặt trăng đi vào vùng bóng tối phía sau Trái đất và chỉ nhận được một phần ánh sáng từ Mặt trời so với khi nó không đi vào khu vực này. Vì lý do này, một phần hoặc toàn bộ Mặt trăng sẽ tối hơn bình thường và có màu đỏ thẫm.

Nguyệt thực là một hiện tượng không quá hiếm và rất dễ quan sát ngay cả khi không có dụng cụ nào hỗ trợ. Mặc dù vậy, nó vẫn luôn là một hiện tượng quang học thú vị và thu hút được sự chú ý của nhiều người.

Riêng với lần nguyệt thực sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này, nhiều nơi ở Việt Nam sẽ theo dõi được một phần pha toàn phần của nguyệt thực. Do đó, đây thực sự là hiện tượng đáng chú ý. Nguyệt thực không hiếm, nhưng việc quan sát được pha toàn phần vẫn là một điều khá đặc biệt.

Hiện tượng nguyệt thực lần này kéo dài tổng cộng hơn 3 giờ tính từ thời điểm bắt đầu cho tới thời điểm kết thúc pha một phần. Nếu tính cả pha nửa tối thì tổng thời gian của hiện tượng lên tới hơn 5 giờ.

Tuy nhiên, vì trong giai đoạn đầu của nguyệt thực, tại Việt Nam, Mặt trăng còn chưa mọc khỏi chân trời. Vì vậy, người quan sát ở Việt Nam chỉ có thể theo dõi được giai đoạn sau của hiện tượng này.

Lịch trình chi tiết của hiện tượng tính theo giờ Việt Nam vào ngày 26/5 cụ thể: Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 15 giờ 47 phút; Nguyệt thực một phần bắt đầu 16 giờ 44 phút; Nguyệt thục toàn phần bắt đầu 18 giờ 11 phút; Nguyệt thực cực đại 18 giờ 18; Nguyệt thực toàn phần kết thúc 18 giờ 25; Nguyệt thực một phần kết thúc 19 giờ 52; Nguyệt thực nửa tối kết thúc 20 giờ 49.

Tại khu vực miền Bắc

Mặt trăng mọc lên khỏi chân trời vào thời điểm đã kết thúc pha toàn phần. Người quan sát chỉ có thể theo dõi được pha một phần của hiện tượng. Chẳng hạn, ở Hà Nội, Mặt trăng mọc vào lúc 18 giờ 29 phút ngày 26/5.

Như vậy, người quan sát có thể theo dõi gần trọn vẹn giai đoạn sau của nguyệt thực một phần từ thời điểm đó cho tới khi nó kết thúc. Vào khoảng trước 19 giờ 00, pha một phần này vẫn có độ che phủ rất cao và rất đáng chú ý.

Tại khu vực miền Trung và miền Nam

Đa số các tỉnh miền Trung theo dõi được một phần cuối của pha toàn phần, trong khi hầu hết các tỉnh phía Nam sẽ có thể theo dõi trọn vẹn pha toàn phần nếu có góc nhìn đủ rộng để thấy được chân trời phía Đông.

Chẳng hạn, tại TP Hồ Chí Minh, Mặt trăng mọc lúc 18 giờ 07 phút, tức là trước khi pha toàn phần bắt đầu, do đó người quan sát tại khu vực này cũng như các vùng lân cận có thể theo dõi trọn vẹn pha toàn phần.

Mặc dù, ở nhiều khu vực có thể nhìn thấy pha toàn phần, nhưng vào thời điểm đó, Mặt trăng ở rất thấp nên sẽ khó quan sát đối với những nơi có tầm nhìn về phía Đông bị cản trở.

Vị trí quan sát thuận lợi nhất để theo dõi giai đoạn này là những nơi có tầm nhìn rộng về phía Đông, khu vực không có nhà chắn phía trước, nóc hoặc cửa sổ các nhà cao tầng, bờ biển…

Những lưu ý cần nhớ

Nguyệt thực hoàn toàn vô hại với mắt của bạn, do đó bạn có thể nhìn trực tiếp vào nó. Bạn cũng không cần phải có những dụng cụ chuyên dụng như kính thiên văn hay ống nhòm để quan sát hiện tượng này, mặc dù nếu có thì sẽ có một cái nhìn thú vị hơn khá nhiều. Về cơ bản, có hai điều cần lưu ý đối với việc quan sát:

Thời tiết luôn quan trọng. Nếu trời có mưa, giông hoặc mây mù thì không thể quan sát hiện tượng. Do đó, bạn cần một bầu trời ít mây. Nói chung, chỉ cần bạn nhìn thấy Mặt trăng và nó tiếp tục không lặn vào sau đám mây nào đó thì tức là bạn quan sát được nguyệt thực

Hãy chọn nơi quan sát sao cho bạn có thể nhìn bầu trời phía Đông với góc nhìn càng rộng càng tốt, tránh việc bị ánh sáng nhân tạo (đèn đường, đèn của các tòa nhà) chiếu thẳng vào mắt từ phía trên.

Một nguyệt thực một phần khác mà người quan sát ở Việt Nam có thể quan sát được sẽ diễn ra vào ngày 19/11 năm nay, tuy nhiên hiện tượng tháng 5 này đáng chú ý hơn bởi độ che phủ rõ rệt của nó.

Cuối cùng, một lưu ý về thuật ngữ, nguyệt thực là nguyệt thực, không phải “trăng máu” (một cách gọi thiếu chính xác nhưng phổ biến vài năm gần đây). Đây cũng là hiện tượng quang học hết sức bình thường, không liên quan tới bất cứ yếu tố tâm linh hoặc tôn giáo nào.

Đặng Vũ Tuấn Sơn (Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM