Truyện ngắn: Qua những bến bờ

Ấy là khi mây xanh, mây trắng lặng lờ trôi nhẹ. Cánh đồng thao thiết ánh màu bình dị. Người nông dân bình thản chăm hoa để ít ngày nữa mang về chợ. Linh lắng nghe bài “Tình ca du mục” được tấu bởi chàng trai làng Then. 

Cây violon huyền diệu. Tai cô như được rót đầy mật ngọt và sự ngân dương của bản nhạc. Chàng trai không biết cô. Linh cũng không có ý định đánh động và muốn nghe anh chơi hết. 

 Anh chơi hay quá.Đây là bài hát Nga mà cô nghe không biết bao nhiêu lần. Kể cả nhạc không lời và lời hát tiếng Việt. Ở đó cô luôn thấy sự văng vẳng của hoài niệm, nỗi buồn thăm thẳm, cô đơn, bơ vơ của một chàng trai trên thảo nguyên bao la. E hèm. Cô đánh động khi chàng trai xong bài. Lần đầu tiên nghe ở cánh đồng quê xứ Kinh Bắc, cô bị cuốn hút.

Chàng trai khiêm tốn:

– Mình chỉ được học bố và các chú trong làng. Làng mình nhiều người chơi “đỉnh” hơn nhiều.

Qua báo chí, Linh biết đến ngôi làng người nông dân chơi violon độc đáo. Cô đã một mình phóng xe về đây, rẽ vào làng. Sau khi hỏi thăm vào nhà ông chủ nhiệm Câu lạc bộ violon của làng, nghe ông kể chuyện về những người nông dân yêu đời, cô xin phép ra đồng. Hẹn sáng hôm sau quay lại nhà ông Thảo chủ nhiệm để được gặp các thành viên. Đó là lời hẹn mà cô thấy ngồ ngộ. 

Ông Thảo bảo, mỗi người nông dân đều như nghệ sĩ thực thụ. Khi chơi đàn, bao vẻ lam lũ, tất bật ngày thường bị xóa nhòa, chỉ còn lại sự đắm đuối của người nghệ sĩ. Một chút tò mò, một chút cảm mến pha với lòng ham khám phá khiến cô về đây. Linh hỏi ra đồng, nơi người làng thường ngồi nghỉ, chơi đàn. Cô đã gặp anh.

– Em nghe anh kéo đàn là thấy mê luôn violon rồi. Anh thấy có điều gì đặc biệt?

Chàng thanh niên cười:

– Điều đặc biệt của cây violon, còn gọi là vĩ cầm, là khả năng ứng biến về thanh điệu. Điều đó cho phép người chơi có thể chuyển nhanh âm điệu từ thấp đến cao, hoặc ngược lại một cách thanh thoát. Như khi cô nghe mình chơi bài “Tình ca du mục” sẽ thấy có lúc cung đàn vút lên, nhanh, gấp mà nhiều loại nhạc cụ khác không làm được.

Càng nghe anh nói, Linh càng thấy sự am hiểu, cách anh hòa mình với đàn để làm nên sự kỳ diệu của âm nhạc. Cô cũng thấy cuộc sống có quá nhiều điều tuyệt diệu mà mỗi người không thể vô tâm.

Cuối chiều, anh về nhà, Linh trở lại thành phố tỉnh lẻ, cách đó chừng chục cây số. Cô sẽ thuê một phòng khách sạn nghỉ lại. Có thể thấy vui, cô sẽ hẹn gặp cô bạn cùng thời đại học, nay làm ở ngành văn hóa, đã có chồng và một con. Đêm ấy, nằm một mình cô vơ vẩn nghĩ về con người và sự sáng tạo. Con người thật lạ và cũng khó hiểu, đã sáng tạo ra biết bao thứ mỹ miều, trong đó có âm nhạc và cũng chính con người gây đau khổ cho nhau. Âm nhạc đi vào đời sống và làm nên nhiều điều kỳ diệu cho cuộc sống.

* * *

Gia đình gốc gác ở quê nhưng Linh được sinh ra ở phố. Vì có của ăn của để nên cô được chiều từ bé. Thời học cấp ba, cô đã thích những chuyến đi xa. Lên đại học, cô học kiểu a ma tơ, ham những chuyến đi xa cùng nhóm bạn. Cứ có thời gian là lên đường. Bố mẹ để cô thoải mái trong chuyện đó. Đúng hơn, bố mẹ cô vài lần nhắc nhở con gái đi ít thôi. 

Bố mẹ luôn mong an toàn cho cô và luôn muốn vẽ một cái khung bao quanh để con biết giới hạn, đâu là điểm dừng. Còn cô không thích sự bao bọc quá an toàn ấy. Nó sẽ làm cản trở những bước đi và cuộc sống riêng của cô. Mẹ vì quá thương con mà đôi khi gay gắt. Càng gay gắt, bà vô tình càng đẩy cô ra xa. Cô sống trong thế giới của mình và có lúc, thả sức tưởng tượng trong đó, đôi khi không tránh khỏi những ý nghĩ tiêu cực. 

Giữa năm đại học thứ hai, cô quen và nhập nhóm Hinh. Linh thấy sự mạnh mẽ và những ưu điểm của Hinh ngày càng được dịp trổ ra. Linh ngày càng mến Hinh ở sự quyết đoán và không chịu giới hạn. Điều đó rất hợp ý Linh. Cô muốn ai đó phải hơn mình ở độ chịu chơi, táo bạo trong hành xử và cả cách phóng khoáng chi tiêu. Hinh là công tử nhà giàu. Cậu nói mình không thiếu tiền, chỉ thiếu ý tưởng cho những cuộc chơi. 

Đi phượt, khám phá các cung đường chìm trong sương, nơi chênh vênh lưng chừng núi hay leo lên những đỉnh chót vót là điều Hinh cảm thấy thích thú. Hinh ham di chuyển và tìm niềm vui trong những chuyến đi. Sự lên đường luôn cho cậu một cảm giác mạnh và có lúc Hinh thấy nếu không đi, đời mình mất đi nửa phần thú vị. Đôi khi sau cuộc gặp gỡ bà con vùng cao, cậu tặng họ một chút tiền. Linh thấy điều Hinh làm có chút ý nghĩa.

Hai người yêu nhau theo kiểu lửa gần rơm. Cuối năm đại học, Linh được Hinh đưa về giới thiệu với gia đình. Đó là ngày ắp đầy hy vọng, phấn chấn. Nhưng rồi cô chỉ nhận được sự thất vọng. Gia đình Hinh chê cô vóc dáng bùi bụi, tính tình quá mạnh mẽ, lại mê phượt, không phù hợp làm vợ. Bố mẹ Hinh muốn con trai lấy một cô gái hiền lành và có “tố chất” làm dâu theo ý họ. Linh hoàn toàn không hợp gia đình ấy. Lần đầu trong đời, Linh phải nếm nỗi thất vọng và ngửi mùi đau khổ. Hinh bàn với cô: “Hay là mình trốn đi”. Trốn? Trốn đi đâu trong gầm trời này! Cá tính của Linh không chấp nhận điều đó. 

Thêm nữa, cô muốn mọi sự phải đường đường chính chính, làm sao có thể gượng ép chuyện của cả đời người. Trong từng hơi thở, cô thấy đau. Cô giục Hinh thuyết phục gia đình. Phải để bố mẹ thấy an tâm, chấp nhận chuyện của bọn trẻ. Hinh làm như những gì đã bàn song vẫn không lay chuyển được quyết định của bố mẹ. Hinh bảo: “Chỉ có cách chúng ta trốn đi. Rồi bố mẹ anh sẽ thấy tiếc nhớ mà gọi anh về, chấp nhận điều kiện của anh”.

Linh lắc đầu. Hinh thông minh nhưng trong chuyện này, cậu không tỉnh táo. Linh tìm đến âm nhạc để tìm một chốn tựa nương. Cô từng thích rap, hiphop. Những thứ đủ mạnh để lòng rộn lên. Lúc này cô lộn xộn thích nhiều thứ. Cô muốn phá bĩnh, làm một việc gì đó cho tan vỡ mọi thứ. Song chính cô cũng không biết “mọi thứ” đó là gì và khi tan vỡ hết, đời cô sẽ đi đến đâu. Lẽ nào, cô và Hinh chỉ như hai đường thẳng song song, chẳng bao giờ có thể gặp ở một điểm?

* * *

Bố mẹ giới thiệu cho cô một đám mà theo họ, ổn. Cô chần chừ chẳng muốn gặp. Làm sao có thể nghĩ đến chuyện gì khác trong lúc này. Bố mẹ không biết chuyện của cô và Hinh, nên cố thuyết phục con gái đến gặp gia đình kia. Cô miễn cưỡng đi, hố sâu trong lòng bỗng trở nên rộng toang hoác. 

Trong buổi gặp này, chàng trai của gia đình kia có vẻ cố nhiệt tình, nhưng khuôn mặt anh ta trở nên non nớt trước Linh. Linh cảm giác anh ta luôn dựa vào cái bóng quá lớn của bố mẹ. Nếu lấy anh ta, hai người cũng sẽ xộc xệch. Người như thế không hợp với cô. Cô cố tỏ ra vui vẻ để bố mẹ đỡ xấu hổ. Về nhà, bố hỏi: “Con thấy ổn đúng không?”. “Dạ, con chả thấy ổn chút nào. 

Chàng trai của bố không hợp với con đâu”. Nhưng gia đình đó có ảnh hưởng đến bố mẹ cô. Bố mẹ cô muốn cô chấp thuận. Cô hét lên. Làm sao bố mẹ có thể giục con lấy một người như thế. Anh ta chẳng ra dáng đàn ông gì cả. Linh khóc. Nước mắt lăn vào đêm.

Cô lại lấy những cung đường làm niềm vui. Những vùng trời rộng mở, đầy mây trắng, cỏ dại, hoa rừng và bao điều mới mẻ hút cô. Lúc nào cô cũng thèm được hít thở không khí nơi rẻo cao. Mỗi sự tĩnh lại ở thành phố, với cô, như nốt nhạc trầm buồn có thể làm bước chân người chậm lại. Mẹ cô nhắc: “Con không thể bớt lồng lên như con ngựa được hay sao? Cứ làm bố mẹ lo mãi”. Mỗi khi mẹ dằn dỗi, cô lại ôm ngang người mẹ, nịnh một hồi để mẹ yên tâm. 

Cô bảo, cuộc sống cốt là cảm thấy vui vẻ, được hạnh phúc theo cách của mình. Còn gì mất tự do và buồn hơn là cố cưới một tấm chồng, để rồi chằng đụp mình trong bao rào cản, giới hạn. Như thế, chẳng phải đã trói buộc mình vào mệt mỏi. Mẹ lại nhắc: “Nhưng mà con gái có thì…”. Cô ngúng nguẩy: “Mẹ ơi, giờ là thời hiện đại rồi. Con sẽ lấy chồng khi cảm thấy cần phải lấy”.

Chuyện của Linh và Hinh vẫn dùng dằng như thế. Cậu không thuyết phục được gia đình. Cô cũng chẳng cố miễn cưỡng. Đành để đến đâu thì đến. Cô ra trường, được làm một công việc nhàn hạ. Linh chẳng đi làm vì tiền. Khi không phải lo lắng chuyện kinh tế, cô thoải mái nghĩ về những chuyến đi, cách làm mình vui trước cuộc sống. Xung quanh cô, bạn bè cũng nghĩ thế. Giới trẻ có quan niệm khác về cuộc sống, giá trị hạnh phúc và gia đình.

* * *

Có mặt ở nhà ông Thảo chủ nhiệm Câu lạc bộ là những nghệ sĩ nông dân thực thụ. Cách chơi đàn táo bạo, chuyên nghiệp và hết mình. Chàng trai cô gặp kéo violon ngoài đồng chiều qua là con ông Thảo. Anh chơi giỏi như bố mình. Với tâm hồn trẻ, yêu đời, đàn của anh ngân lên có độ trẻ trung, linh hoạt và tha thiết.

Sau buổi thưởng thức violon, Bảo lại kéo cô ra đồng cùng vài nghệ sĩ nhỏ tuổi. Khi có “dàn đồng ca” chơi ngoài cánh đồng, Bảo chơi hào hứng và lãng tử hơn. Anh và các học sinh trường làng muốn thể hiện trước Linh.

Làng còn trồng hoa Tết. Cữ này hoa đào, cúc, thược dược, hồng… thắm hơn, chuẩn bị bước vào vụ Tết xốn xang vui. Biểu diễn xong ba tiết mục đãi khách, các nghệ sĩ nhỏ tuổi về trước. Bảo và Linh ngồi xuống, trông ra đồng. Bảo nói về quê hương mình. Anh có vùng quê thanh bình và một ước vọng để làm đẹp quê. Cách sống của anh trái ngược Linh. Một người muốn làm đẹp ở làng, còn người kia thích những chân trời mới.

“Em có vẻ như cô gái đang trốn phố phường, tìm một điều gì đó ở vùng quê”.

Chàng trai nhạy cảm hiểu tâm trạng Linh. Anh đổi cách xưng hô. Không xưng “mình” như hôm trước mà xưng “anh”. Điều đó khiến Linh thấy anh thật dễ gần.

“Có vẻ anh Bảo không ưa sự ồn ào. Vì thế mà muốn gắn bó và làm giàu trên quê hương mình?”.

Bảo nở nụ cười tươi trước cô gái xinh.

“Mỗi người một cách sống mà. Ở đâu thì cũng phải sống tốt và cảm thấy mình được hạnh phúc. Anh học xong trường nông nghiệp và cũng chỉ ao ước được làm công việc mà cha ông đã gắn bó”.

Lời của anh khiến Linh chùng xuống. Bao xáo trộn, sự ồn ào và kiểu sống nhanh ngoài phố hiện lên trong đầu. Cô tự vấn, mình có thực dụng, sống quá nhanh và gấp hay không. Những cung đường, các chân trời mới đem lại điều gì cho bản thân? Cô không biết. Song ít nhất, bao cảnh sống và số phận mà cô đã gặp, luôn dội vào lòng cô tiếng ngân vang về một khát khao sống. Khát khao hạnh phúc. Người nghèo khổ, vất vả khao khát được no ấm, an bình. Cô tìm đâu để có nơi an trú của lòng mình?

Nói chuyện với Bảo, cô nhận ra, cuộc sống không nhất thiết cứ phải ồn ào. Cuộc sống đôi khi chỉ cần trôi đi trong thanh bình. Linh lại tự nhủ, cô chẳng hẳn thích ồn ào. Cuộc sống ở những chân trời mới cũng vắng vẻ và đẹp theo cách riêng. Người ở vùng đất đó, hẳn cũng có niềm hạnh phúc của mình.

* * *

Mùa xuân êm đềm. Bảo nhận lời Linh xuống thành phố du xuân. Thành phố không lạ lẫm với Bảo, nhưng khi trải nghiệm với một cô gái cá tính, anh thấy sự khác lạ trỗi dậy. Linh hát “Tình ca du mục” lời Việt. Bảo gật đầu tán thưởng. Ở phía triền hoa ven sông, Linh dang tay đón nắng ấm. Bảo nói: “Em như con chim tung cánh giữa trời xuân”.

Bố mẹ thấy con gái hay hát một mình, tươi vui thì hỏi: “Con có chuyện mừng?”. Cô cười: “Dạ, con đang vui theo cách của mình ạ”.

Linh ngược miền Kinh bắc. Mùa xuân, không phải trốn phố nhưng là đi theo sự du dương của tiếng vĩ cầm. Hôm ấy, Bảo đưa cô về miền xuân Yên Thế. Nắng thưa và hoa tỏa hương. Vĩ cầm ngân lên trên đồi. Ôi những thanh âm huyền ảo và lung linh, sao khiến mình chẳng thể cầm lòng. Cô tự nhủ. Rồi có lẽ, sau bao chuyến đi, bao bến bờ, cũng phải khép lại những nghĩ suy còn nông nổi.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM