Vì sao các món ăn của Huế đều có vị cay

Người dân xứ Huế đặc biệt thích ăn cay. Những gia vị cay như ớt, tỏi, tiêu, hành… ở Huế tuy chẳng phải “đặc sản”, nhưng đã qua tay chế biến của các đầu bếp dân gian trở nên nổi tiếng khắp nước.
Đơn cử như ớt ở Huế có nhiều loại: ớt mọi, ớt hiểm, ớt chỉ thiên, ớt chìa vôi. Cách pha trộn làm nước ớt Vinh Xuân (Phú Vang) giúp gia vị này trở nên vô cùng nổi tiếng. Nước ớt Vinh Xuân không bị lên men, nấm mốc khi để cả năm trời, nhưng lại cực kỳ thơm ngon, từng được xuất khẩu sang Đông Âu và là món đặc sản của Huế không kém gì rượu làng Chuồn, cau Nam Phổ, trầu chợ Dinh, thanh trà Nguyệt Biều, quýt Hương Cần…

Ngày xưa ở Huế còn có làng Phong Lai được cho ăn ớt trừ cơm vào những ngày vụ mùa thất bát, đủ thấy người Huế ăn cay “siêu đẳng” đến cỡ nào! Lý giải cho đặc điểm ẩm thực này là do người dân muốn chống lại cái lạnh và mưa dầm, như một phương thức thích nghi với cuộc sống.
Trong sử sách còn ghi, khi Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, cư dân Việt đã học tập người Chăm về việc sử dụng gia vị cay (đặc biệt là ớt) để dung hòa với vùng đất và khí hậu còn lạ lẫm, mà Tố Hữu từng viết: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”.
Đa dạng món cay

Hầu hết các món Huế đều có vị cay, tại sao người nơi đây thích ăn cay đến thế? - 3

Hằng ngày, trên bàn ăn của người Huế (gồm món canh, cá, thịt, dĩa rau sống…) luôn có một dĩa muối tiêu ớt, dĩa tương ớt hay một chén nước mắm ớt tỏi. Đặc biệt không thể thiếu tương ớt.
Tương ớt Huế là hỗn hợp gồm ớt tươi, tỏi tươi, muối, đường, dầu ăn và nước mắm ngon trộn lại. Người Huế dùng tương ớt nhiều trong những món ăn buổi sáng sớm (bánh mì, bánh canh…). Hiện nay, tương ớt Huế đã trở thành một món quà du lịch bên cạnh tôm chua, mè xửng vì nó hoàn toàn không có chất phụ gia độc hại mà còn rất tiện dụng trong những bữa ăn hàng ngày.
Đến Huế trong mùa đông, du khách hoàn toàn có thể dùng đến các gia vị cay như ớt, tỏi, tiêu… trong buổi ăn để giữ thân nhiệt và đẩy lùi những căn bệnh mùa đông như nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm…

Hầu hết các món Huế đều có vị cay, tại sao người nơi đây thích ăn cay đến thế? - 4

Đầu tiên, phải kể đến bún bò Huế với nước bún, thịt bò, giò heo, chả tôm, gạch cua, huyết… được người phụ nữ Huế nêm nếm sả, ớt màu, ớt bột, tiêu, tỏi, hành… rất tính toán, cẩn thận. Ăn bún bò Huế vào những ngày mưa rét, du khách sẽ có cảm giác cả thân thể được sưởi ấm tức thì bởi sức nóng hừng hực khi áp tay vào tô bún bò Huế vừa mới được múc từ nồi đỏ lửa đem lên.

Hầu hết các món Huế đều có vị cay, tại sao người nơi đây thích ăn cay đến thế? - 5

Không thể không nhắc đến món cơm hến, món ăn bình dân đặc trưng của cư dân cố đô. Vào một ngày mưa rét mà ăn được một tô cơm hến vào buổi sáng sớm, ắt hẳn du khách ai cũng phải xuýt xoa. Vị ớt, tỏi cay xè từ miệng, xộc lên sống mũi, nóng đến từng thớ thịt. Ăn xong tô cơm hến và uống một tô nước hến có gừng, du khách sẽ cảm thấy mồ hôi đổ ra, lưỡi tê rần, người “bốc hỏa” cả lên như ngồi bên bếp lửa hồng chống rét. Quả thật, cơm hến là một liều thuốc ẩm thực khá công hiệu khi vui chơi ở Huế trong những ngày giá lạnh.

Hầu hết các món Huế đều có vị cay, tại sao người nơi đây thích ăn cay đến thế? - 6

Ngoài bún bò, cơm hến, Huế còn có rất nhiều những món ăn có vị cay khá thú vị. Đó là vị cay của sả, ớt trong món ốc Trường An; vị cay của nước mắm ớt trong tô bánh canh Nam Phổ, trong đĩa bánh lọc bà Đỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm; vị cay của đĩa muối ớt ở quán chân gà nướng Mai Thúc Loan; vị cay của nồi nước lẩu dê Kim Long, lẩu hải sản Thuận An…
Bởi vậy, ai đến Huế đều nhớ về vị cay xứ Huế, như một trải nghiệm độc đáo vào những giá rét, mưa dầm trên mảnh đất cố đô.
Thùy Dương/TH
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM