13 ngày khám phá vũ trụ của nhà khoa học Việt làm việc cho Nasa

Ngày 25/6/1992, nhà du hành vũ trụ Trịnh Hữu Châu có mặt trên tàu con thoi Columbia lừng danh để bay vào vũ trụ. Chuyến thám hiểm không gian kì diệu này kéo dài 13 ngày 19 giờ 30 phút.

Nhà du hành vũ trụ Trịnh Hữu Châu (tên tiếng Anh là Eugene Trịnh) sinh ngày 24/9/1950 tại Sài Gòn. Năm 1953, ông cùng gia đình sang Pháp định cư, sau đó sang tiếp Mỹ để học ngành chế tạo máy và vật lý ứng dụng tại Đại học Columbia nổi tiếng.

Năm 1977 ông lấy bằng tiến sỹ ngành vật lý ứng dụng của Đại học Yale, một trường đại học danh giá bậc nhất của Mỹ.

Nhà khoa học người Việt Trịnh Hữu Châu.

Theo học tại những trường đại học lừng danh mà nhiều người mơ ước cộng với bảng thành tích xuất sắc, năm 1979, Trịnh Hữu Châu được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chiêu mộ. Ông bắt đầu công việc tại phòng thí nghiệm về sức đẩy phản lực.

Năm 1983, NASA chọn ông để huấn luyện thành chuyên viên sức đẩy làm việc cho phòng thí nghiệm không gian 3 (Spacelab 3). Năm 1992, trải qua rất nhiều lần huấn luyện và các bài kiểm tra nghiêm ngặt, Trịnh Hữu Châu có tên trong danh sách phi hành đoàn tàu con thoi Columbia mang ký hiệu STS-50.

Tàu con thoi Columbia STS-50 là tàu Columbia thứ 12 trong tổng số 28 tàu con thoi Columbia của NASA được phóng vào vũ trụ. Chuyến bay đầu tiên của Columbia (STS-1) được thực hiện vào ngày 12/ 4/1981, chuyến bay cuối cùng thực hiện vào 16/1/2003. Mỗi một chuyến bay tàu Columbia sẽ mang những nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử khác nhau.

Ngày 25/6/1992 tàu con thoi STS-50 chính thức đưa phi hành đoàn bay vào vũ trụ. Theo thông tin của NASA chuyến bay STS-50 kéo dài đúng 13 ngày, 19 giờ, 30 phút và 4 giây, dài nhất trong toàn bộ chương trình tàu con thoi Columbia.

Nhà khoa học Trịnh Hữu Châu ngoài cùng bên trái cùng một số thành viên phi hành đoàn trong chuyến bay lịch sử của tàu con thoi năm 1992.

Làm việc ngoài không gian, phi hành đoàn của STS-50 có nhiệm vụ tiến hành các thí nghiệm về động lực của chất lỏng, kỹ thuật điều khiển chất lỏng trong điều kiện không bình chứa ở trên quỹ đạo. Riêng với nhà du hành vũ trụ Trịnh Hữu Châu, trong chuyến bay này, tại khoang vật lý DPM, ông đã thực hiện và theo dõi cùng lúc ba thí nghiệm về sức đẩy, sự rơi của chất lỏng và kỹ thuật điều khiển chất lỏng không bình chứa.

Sự thành công của chuyến bay vào vũ trụ đã khiến nhà khoa học người Việt vô cùng nổi tiếng trên đất Mỹ. Nhiều tờ báo lớn đều đăng hình của ông và phi hành đoàn trên trang nhất. Các trường đại học danh tiếng mời ông đến thuyết giảng.

Trong những lần nói chuyện, hỏi về khoảng thời gian đặc biệt trên tàu con thoi Columbia, ông trả lời “Chúng tôi đã bay vòng quanh thế giới… bay nhiều lần ngang vùng Đông Nam Á. Tuy phần lớn thời gian vùng này bị mây che phủ, song tôi nhớ đã ba lần chúng tôi bay trên Việt Nam. Những lúc ấy làm tôi nghĩ đến sợi dây liên hệ của mình, đến đất nước quê hương, nơi mình đã sinh ra…”.

Ông tâm sự “Tôi đã nhìn thấy quê hương tôi. Nó mới hiền hòa làm sao!”.

Với chuyến bay huyền thoại này, ông là người Việt thứ hai có mặt trên quỹ đạo trái đất. Người Việt Nam đầu tiên là tướng Phạm Tuân. Trung tướng Phạm Tuân là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô.

Ông cùng với các nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vasilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 vào ngày 23/7/1980, và trở về Trái Đất ngày 31/7.

Tướng Phạm Tuân, người Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.

Trong toàn bộ thời gian trên quỹ đạo, tướng Phạm Tuân đã tiến hành các thí nghiệm khoa học về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực. Ông cũng tiến hành các thí nghiệm khoa học cây trồng trên bèo hoa dâu.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM