Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết thanh minh

Tết Thanh Minh năm 2021 sẽ kéo dài từ ngày 4/4 đến ngày 20/4 Dương lịch.

Tết Thanh minh (còn được gọi là Tiết Thanh minh) là một trong số 24 tiết khí, mang ý nghĩa tươi sáng, trong xanh. Đây chính là thời điểm trong lành nhất trong năm nên phù hợp để thực hiện nhiều lễ nghi quan trọng.

Theo tiếng Hán, ‘thanh’ có nghĩa là thanh khiết, mang ý nghĩa sạch sẽ, trong lành còn ‘minh’ có nghĩa là ánh sáng. Vì vậy, thanh minh có nghĩa là khoảng thời gian khí trời trong sáng, quang đãng và thanh khiết nhất.

Về mặt thời tiết, tại miền Bắc Việt Nam khi Tiết thanh minh bắt đầu thì hiện tượng mưa phùn gần như đã chấm dứt hẳn bởi các luồng gió mùa đông bắc đã yếu. Điều này khiến hiện tượng ‘nồm’ biến mất, tiết trời cũng trong xanh, dễ chịu hơn do nhiệt độ tăng cao, độ ẩm giảm xuống.

Tết Thanh Minh không có ngày cố định. Nếu lấy điểm Xuân Phân làm điểm xuất phát, tương đương kinh độ mặt trời ứng với 0 độ, thì Tiết Thanh Minh ứng với thời điểm kinh độ mặt trời là 15 độ.

Dựa vào cách tính này, Tết Thanh Minh năm 2021 sẽ kéo dài từ ngày 4/4 đến ngày 20/4 Dương lịch. Vì vậy, theo quy ước, Tết Thanh Minh năm 2021 sẽ rơi vào ngày đầu tiên của tiết là Chủ Nhật ngày 4/4 Dương lịch (tức 23/2 Âm lịch). Ở một số nơi, người ta lại chọn ngày Tết Thanh Minh là 3/3 Âm lịch (tức 14/4 Dương lịch).

Theo phong thủy, Tết Thanh Minh là một ngày lễ mang đậm nét văn hóa của người Việt. Đây là ngày con cháu làm tròn đạo hiếu với gia tiên, thể hiện rõ nét đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và lòng thành kính, biết ơn với những người đi trước.

Thông thường, vào ngày Tết Thanh Minh, thành viên các gia đình thường sum họp và tổ chức thăm viếng, vệ sinh, dọn dẹp hoặc sửa sang mộ phần của ông bà tổ tiên khang trang, sạch đẹp hơn. Khi tảo mộ, người ta chuẩn bị lễ vật tươm tất như đèn, nhang, hoa quả và thực hiện các bài khấn vái, mong gia tiên phù hộ con cháu luôn khỏe mạnh, bình an và thành đạt. Hoạt động tảo mộ trong Tết Thanh Minh có ý nghĩa quan trọng vừa giúp con cháu nhớ đến cội nguồn, tổ tiên và cũng là ngày để các thế hệ con cháu sum vầy bên nhau, cùng nhau báo hiếu các bậc sinh thành đã khuất.

Mâm cỗ cúng Tết Thanh minh tại nhà và ngoài mộ cần những gì?

+ Chuẩn bị lễ vật cúng Thanh minh ngoài mộ:

Tảo mộ là nghi lễ quan trọng nhất trong ngày trong tiết Thanh Minh, việc chuẩn bị những vật phẩm cúng lễ sao cho đầy đủ được các gia đình rất coi trọng.

Lễ vật cúng tiết Thanh minh ngoài mộ cần chuẩn bị những phần lễ cơ bản sau:

– Các loại bánh kẹo và quả tươi.

– Trầu cau, rượu.

– Nước sạch.

– Một số món ăn tùy theo điều kiện mỗi gia đình, nhưng tốt nhất là đồ chay.

– Nhang, đèn.

– Giấy ngũ sắc, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy hàng mã…

Một bộ tam sinh: Bộ tam sinh dùng để cúng tế trong các đại lễ ngày xưa thường là ba con vật gồm bò, lợn và dê. Tuy nhiên, ngày nay, tùy theo phong tục tập quán của địa phương và điều kiện của mỗi gia đình mà có thể chuẩn bị lễ vật này hay không.

Những lễ vật trên cần được sắp xếp gọn gàng và chu đáo, mọi người nên dùng đĩa để đựng các lễ vật này, khi bày trên mặt đất cần lót chiếu hoặc khăn và để tại nơi bằng phẳng trước khi thực hiện nghi lễ cúng.

Lễ cúng Tết Thanh minh ngoài mộ còn có thêm phần lễ cúng Thổ Công và Thổ Địa tại nơi an táng của tổ tiên nên các gia đình cần lưu ý phải có lễ cúng dành riêng cho các ngài với lễ vật như hương nhang, trầu rượu, tiền vàng, quần áo giấy… tùy theo mỗi gia đình.

Theo tục của người Việt xưa, lễ vật cúng Tết Thanh Minh thường yêu cầu chuẩn bị khá nhiều lễ vật, tuy nhiên, ngày này, các gia đình có thể thêm bớt sao cho gọn nhẹ và đơn giản là được, chủ yếu là tấm lòng thành của con cháu hướng về tổ tiên, những người đã khuất.

+ Chuẩn bị mâm cỗ cúng trong ngày Tết Thanh minh tại nhà:

Ngoài nghi lễ cúng tạ mộ ở ngoài phần mộ ra thì các gia đình thường sẽ có một thêm mâm cỗ để cúng gia tiên tại nhà. Phần lễ vật cúng tại nhà cũng không yêu cầu quá cầu kỳ, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình hoặc tùy vào phong tục tập quán của mỗi địa phương để sắm sửa.

Tùy theo mỗi gia đình, có thể chuẩn bị mâm cúng Tết Thanh minh với đầy đủ các món mặn như xôi, gà luộc, giò, canh măng, miến, thêm đĩa xào… và một số lễ vật khác như hoa quả, hoa tươi, trầu cau, vàng mã… Các gia đình cũng có thể chuẩn bị mâm cúng chay hoặc chỉ cần thắp hương bình thường với hoa quả tươi, trà tàu, thuốc lá… để thông báo với tổ tiên đã khuất về ngày Thanh Minh và tỏ lòng ghi ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên.

Nguyễn Thành (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM