Rác thải đại dương: Hiện trạng, hướng tiếp cận, giải pháp của thế giới và Việt Nam

279
5 năm trước, Ellen MacArthur Foundation từng đưa ra cảnh báo: ‘Nhựa có thể sẽ nhiều hơn cá trên đại dương vào năm 2050’. Cho đến nay, cảnh báo này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh.

Nhóm các nước phát triển G20, các nhà tài trợ quốc tế với các dự án vùng như “Suy nghĩ lại về nhựa” (Rethinking Plastics) và các nhà khoa học đã đưa ra nhiều sáng kiến và đang nỗ lực hết mình nhằm giảm thiểu rác thải biển, chống lại làn sóng rác thải nhựa và giúp bảo vệ tương lai của đại dương cũng như của mỗi chúng ta.

Nhựa được sử dụng ở khắp nơi trên toàn thế giới trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Với chi phí thấp, trọng lượng nhẹ, độ bền và sự linh hoạt về hình dạng, màu sắc, vật liệu nhựa xuất hiện trên kệ tại các siêu thị, len lỏi vào bộ sưu tập đồ chơi của trẻ em, cũng như được sử dụng trong xây dựng nhà cửa và sản xuất các phương tiện đi lại. Tuy nhiên, sự phổ biến và ứng dụng rộng rãi của sản phẩm nhựa cũng tạo ra những thách thức lớn về môi trường và chất thải, với ước tính khoảng 11 triệu tấn nhựa bị rò rỉ ra đại dương mỗi năm. Con số này dự kiến tăng gần gấp ba, lên 29 triệu tấn vào năm 2040 nếu không có sự can thiệp kịp thời.

So với các vật liệu khác, nhựa là một chất tương đối mới, được phát minh vào thế kỷ 19. Theo Sách trắng “Phá vỡ làn sóng rác thải nhựa: Đánh giá toàn diện về các con đường giúp chấm dứt ô nhiễm nhựa đại dương” được The Pew Charity Trusts (PEW) công bố vào tháng 7 và cập nhật vào tháng 10/2020, sản lượng nhựa toàn cầu ước đạt 2 triệu tấn vào năm 1950, tăng lên 348 triệu tấn vào năm 2017 và “đã trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 522,6 tỷ USD”.

Thách thức toàn cầu

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất nhựa châu Âu (Plastics Europe), “Châu Á chiếm khoảng 51% sản lượng nhựa toàn cầu vào năm 2018, trong đó riêng Trung Quốc sản xuất khoảng 30% sản lượng nhựa toàn cầu”. Ở tầm châu lục, Đông Á và Đông Nam Á là những điểm nóng chính về rò rỉ rác thải nhựa ra đại dương.

Xả rác ra biển ngày càng trở thành mối đe dọa toàn cầu đối với các hệ sinh thái biển và các lĩnh vực kinh tế liên quan của hầu hết các quốc gia. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 60% đến 90% rác thải biển là nhựa, trong đó phần lớn là sản phẩm nhựa và bao bì nhựa dùng một lần. Rác thải biển, gồm cả ngư cụ bị thất lạc hoặc bị loại bỏ gây ảnh hưởng đến hơn 800 loài sinh vật biển và môi trường ven biển (theo Ban thư ký Công ước đa dạng sinh học).

Hậu quả của các yếu tố do con người gây ra rất đa dạng, trong đó có thể kể đến các hiện tượng như làm suy giảm hoặc cạn kiệt oxy, sự cố tràn dầu và hóa chất, các mảnh vỡ trên biển, nhựa và vi nhựa.

Cơ quan Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ nhận định, 80% ô nhiễm môi trường biển là do các nguồn từ đất liền. Ngoài các yếu tố gây ô nhiễm dễ dàng nhận biết, còn có nguồn ô nhiễm diện – nguồn không tập trung như những giọt dầu nhỏ từ động cơ xe cơ giới rơi xuống đường hay bãi đậu xe và cuối cùng đổ ra biển – được coi là một trong những nguồn lớn nhất gây ô nhiễm đại dương.

Khắc phục những tác hại của nguồn ô nhiễm diện – nguồn không tập trung rất tốn kém và phức tạp, trong khi phần lớn rác thải và mảnh vụn bồng bềnh trên đại dương chỉ đơn thuần là do tình trạng “chúng ta sản xuất và tiêu dùng không bền vững”, theo bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP, thành viên Nhóm chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu của Sách trắng “Phá vỡ làn sóng rác thải nhựa”.

Trong bài đăng trên Twitter của Dự án Phục hồi kinh tế Đại học Oxford ngày 30/4/2021, bà Andersen giải thích thêm “có 3 loại khủng hoảng toàn cầu là khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng thiên nhiên – đa dạng sinh học và khủng khoảng ô nhiễm và rác”.

Trong một video về ô nhiễm nhựa trên biển của thành phố Osaka, bà Andersen cho biết: “Ô nhiễm nhựa là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất của tình trạng sản xuất và tiêu thụ không bền vững. Đây chính là cuộc khủng hoảng toàn cầu đe dọa tới môi trường, sức khỏe con người và các nền kinh tế trên toàn thế giới”.

Tạo bước ngoặt

Là một trong các kế hoạch hành động điển hình trên bình diện toàn cầu, Tầm nhìn Đại dương xanh Osaka là khuôn khổ hoạt động của Nhóm G20 bao gồm các hành động ứng phó rác thải nhựa trên biển, trong đó các thành viên thống nhất khuyến khích tất cả các thành viên triển khai các hành động tự nguyện nhằm giải quyết vấn đề rác thải biển một cách hiệu quả. Nhóm G20 muốn thúc đẩy một cách tiếp cận toàn diện nhằm ngăn chặn khẩn cấp, hiệu quả và giảm thiểu xả rác thải nhựa ra đại dương, đặc biệt là từ các nguồn trên đất liền”, theo trang web do Bộ Môi trường Nhật Bản sáng lập và do Viện Chiến lược môi trường Toàn cầu quản lý.

Các biện pháp bao gồm các giải pháp quản lý chất thải thân thiện với môi trường, làm sạch rác thải nhựa trên biển, ngăn ngừa và giảm thiểu phát sinh và xả rác thải nhựa, cũng như thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới mục tiêu cuối cùng là chấm dứt hoàn toàn việc gây ô nhiễm rác thải nhựa trên biển vào năm 2050.

Tương tự, Sách trắng “Phá vỡ làn sóng rác thải nhựa” đưa ra một lộ trình dựa trên các bằng chứng mô tả cách xử lý triệt để ô nhiễm nhựa đại dương vào năm 2040, thể hiện một phương pháp toàn diện, tích hợp và hấp dẫn về mặt kinh tế nhằm giảm thiểu rác thải nhựa xâm nhập đại dương của chúng ta. Ấn phẩm của tổ chức The Pew Charity Trusts và SystemIQ được 17 chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đồng phát triển và các vấn đề kỹ thuật cơ bản được xuất bản trong bài báo “Đánh giá các kịch bản hướng tới thế giới không ô nhiễm nhựa” đăng trên Tạp chí Khoa học (Science).

Theo Sách trắng, “nếu sử dụng các công nghệ hiện nay, đến năm 2040, có thể đảm bảo giảm khoảng 80% (82±13%) rò rỉ rác thải nhựa ra đại dương hàng năm liên quan tới hoạt động kinh doanh như bình thường”. Song thực tế là sẽ không có một giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng. Bài báo đưa ra 8 cách thức can thiệp hệ thống, có thể được áp dụng trong 6 kịch bản, mỗi kịch bản là một sự kết hợp các can thiệp hệ thống khác nhau.

Nếu “kinh doanh như bình thường”, khối lượng nhựa không được quản lý tốt trên toàn cầu có thể tăng từ 91 triệu tấn vào năm 2016, lên 239 triệu tấn vào năm 2040 và lượng nhựa rò rỉ ra đại dương tăng từ 11 triệu tấn năm 2016, lên khoảng 29 triệu tấn vào năm 2040. Theo kịch bản tốt nhất, mô hình Thay đổi hệ thống (System Change) sẽ sử dụng tất cả 8 biện pháp can thiệp hệ thống như giảm tiêu thụ nhựa, sử dụng sản phẩm thay thế nhựa, tái chế và chuyển đổi hóa chất, với mức cam kết cao hơn mức cam kết hiện nay của tất cả các quốc gia.

Ngoài việc giúp giảm rò rỉ rác thải nhựa toàn cầu từ 11 triệu tấn xuống 5 triệu tấn vào năm 2040, cũng như giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 23,8%, mô hình Thay đổi hệ thống cũng sẽ phù hợp nhất với ngân sách các chính phủ, với chi phí ước tính giảm từ 670 tỷ USD hiện tại xuống còn 600 tỷ USD vào năm 2040.

Giải pháp tuần hoàn

Trong khi Sách trắng và các cam kết của Nhóm G20 đề cập sự cần thiết của cách thức tiếp cận toàn cầu, khu vực Đông Á và Đông Nam Á đang triển khai nhiều giải pháp bao gồm nhiều sáng kiến ở cấp quốc gia, cấp tỉnh/ thành phố và địa phương. Tại Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tập trung ngăn ngừa và quản lý chất thải.

Theo bà Fanny Quertamp, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Việt Nam của Expertise France, chống ô nhiễm nhựa là một mục tiêu toàn cầu được cụ thể hóa thành các vấn đề và giải pháp cụ thể, trong đó mỗi Bộ, mỗi tỉnh, thành phố, mỗi tổ chức, cá nhân đều có vai trò riêng.

Bà Quertamp cho biết: “Kế hoạch hành động quốc gia đã tạo ra khuôn khổ đầu tiên, cho thấy một tham vọng thực sự, nhưng khi triển khai thực tế lại gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn trong quản trị. Đối thoại với các Bộ đối tác của dự án (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông – Vận tải) là yếu tố then chốt, cho phép chúng tôi và các Bộ xác định nhu cầu và cùng nhau tìm hướng giải quyết. Dựa trên kinh nghiệm của châu Âu và khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang xây dựng mô hình riêng mang tính sáng tạo, vừa tham vọng, lại vừa thực tiễn. Hàng ngày, tôi thấy có sự tham gia của các vụ chuyên môn, kỹ thuật của các Bộ, các hiệp hội doanh nghiệp, song đôi khi, các cơ quan đối tác có một khung hành động mang tính ràng buộc. Lấy cảm hứng từ các mô hình của nước ngoài là một chuyện, xác định và phát triển mô hình phù hợp trong khung thể chế và quy định hiện nay lại là một chuyện khác. Các cơ quan nhà nước không thể một mình vượt qua các trở ngại này”.

Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ công tác EPR là một ví dụ hay, cho thấy các cơ chế mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ đối thoại với các thành phần kinh tế, các hiệp hội và tìm ra những đề xuất, giải pháp pháp lý, kỹ thuật, kinh tế phù hợp nhất với tình hình thực tế tại thực địa.

Tại Việt Nam, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Giao thông – Vận tải, cũng như chính quyền địa phương. Dự án thực hiện 4 hoạt động thí điểm tại Việt Nam: Xây dựng Liên minh các nhà bán lẻ; Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa; Quản lý chất thải từ tàu cá tại các cảng biển Việt Nam và Thúc đẩy mô hình thu gom tự nguyện rác thải biển của cộng đồng ngư dân.

Etienne Mahler

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM