Rau má thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu được ca tụng y như “nhân sâm”

Trong Đông y, rau má vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu.

Ở Việt Nam, có một loại rau được ca tụng y như “nhân sâm” đó là rau má. Rau má mọc hoang dại khắp nơi đặc biệt là vùng đất ẩm, còn được gọi với cái tên khác là tích thuyết thảo.

Trước đây, rau má chỉ là loại rau mọc dại nhưng giờ đây, loại rau này được bán với giá gấp 2-3 lần nhiều loại rau khác. Hiện rau má có giá 35.000 – 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, rau muống chỉ có giá 14.000 – 16.000 đồng/kg, rau lang 12.000 đồng/kg. Người Việt dùng rau má để ăn sống, muối dưa, luộc chín hoặc nấu canh ăn cho mát. Ở miền Nam rau má được xay ra, hòa với đường làm nước giải khát.

Trước đây, rau má chỉ là loại rau mọc dại nhưng giờ đây, loại rau này được bán với giá gấp 2-3 lần rau bình thường.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, các thành phần của rau má (tính theo %) như sau: Nước 88,2; Protein 3,2; Glucid 1,8; Cellulo 4,5; Khoáng toàn phần 2,3. Ngoài ra, trong 100g rau má còn cung cấp 21 calo.

Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Trong Đông y, rau má vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu. Từ rau má, chúng ta có thể sử dụng để điều chế thành nhiều món ăn, bài thuốc sau đây.

10 món ăn, thức uống, bài thuốc từ rau má do lương y Bùi Đắc Sáng hướng dẫn

1. Nước giải khát bổ dưỡng, nước sinh tố

Cách làm: Dùng rau má sạch, xay lấy nước cốt hòa nước dừa xiêm, uống hỗn hợp này sẽ thấy tác dụng.

2. Giải nhiệt, trị nóng sốt, kinh phong, lở ngứa, mụn nhọt

Cách làm: Giã rau má lấy nước uống và xoa, đắp ngoài.

3. Chữa bụng xốn xáo, nóng ruột, nhiệt uất sinh nóng rét qua lại, đau bụng dưới, chán ăn

Cách làm: Dùng 1 nắm rau má, đem đi sắc uống.

4. Chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, da nóng, kém ăn, nổi mẩn ngứa

Cách làm: Chuẩn bị 1 nắm rau má, 1 nắm rau sam, 30g sắn dây. Đem đi giã, cho thêm nước sôi, chắt lấy nước uống hoặc sắc uống.

5. Giải ngộ độc (nấm độc, thạch tín…)

Cách làm: Giã nát 250g rau má và 250g rau muống, hòa nước sôi, chắt lấy nước uống.

6. Chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, niệu huyết…

Cách làm: Lấy 30g rau má, 15g cỏ nhọ nồi, 15g trắc bá diệp đi sao cháy, sắc làm thuốc uống.

7. Trị ho, tiểu buốt, tiểu rắt

Cách làm: Lấy nắm rau má tươi. Đem đi giã lấy dịch tươi uống hoặc sắc uống.

8. Trị khí hư bạch đới, đau bụng kinh

Cách làm: Lấy rau má khô, tán bột, uống 2 thìa cà phê vào mỗi buổi sáng.

9. Làm thuốc lợi sữa

Cách làm: Ăn Rau má tươi, hoặc luộc ăn và uống nước.

10. Làm kem, trị vết thương lâu lành

Cách làm: Dùng rau má chế dạng kem để bôi ngoài.

Những lưu ý khi sử dụng rau má làm thức ăn và thuốc chữa bệnh

Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay: Rau má được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Tuy nhiên, rau má không hoàn toàn lành tính. Nếu dùng quá lạm dụng, có thể gây ra những tác hại khôn lường ảnh hưởng tới sức khỏe.

1. Các chuyên gia khuyên rằng, phụ nữ đang mang thai và cho con bú nên tránh ăn rau má bởi các chất cho trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sảy thai cho chị em, vô cùng nguy hiểm.

2. Nhiều người cho rằng rau má giúp giải nhiệt tốt trong mùa hè, nên ngày nào cũng ăn loại rau này, hoặc ép lấy nước uống. Nhưng việc dùng quá nhiều rau má như vậy sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Điều này rất nguy hiểm, bởi nó khiến lượng cholesterol cũng tăng, dẫn đến nhiều căn bệnh khác. Đặc biệt, người bị tiểu đường càng không nên ăn nhiều rau má.

3. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, việc uống lạm dụng nước rau má để giải nhiệt, có thể bị nhức đầu, thậm chí mất ý thức thoáng qua. Vì vậy không nên sử dụng quá nhiều.

4. Mặc dù rau má có công dụng làm đẹp nhất định với phụ nữ. Tuy nhiên, nếu chị em sử dụng lâu ngày loại rau này, sẽ làm giảm khả năng thụ thai. Do vậy với chị em đang mong muốn có con thì nên hạn chế sử dụng nước rau má.

Hà Vũ(t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM