Sự kiện thiên văn 2 trong 1: Siêu Trăng Máu và Nguyệt thực toàn phần sẽ xuất hiện vào tuần tới

Tối 26/5, những người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát cùng lúc hai sự kiện thiên văn đáng chú ý trong năm 2021, đó là siêu Trăng kết hợp với Nguyệt thực toàn phần.
Theo Daily Mail, khi siêu Trăng xảy ra cùng lúc với Nguyệt thực toàn phần, hiện tượng này sẽ được gọi là siêu Trăng Máu.
(Ảnh: Getty Images)
Cụ thể, siêu Trăng xảy ra khi Mặt Trăng tròn và ở điểm gần Trái Đất nhất; còn Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng, bóng của Trái Đất bao phủ hoàn toàn Mặt Trăng khiến Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ, thường được gọi là siêu Trăng máu.
Mức độ đỏ của Mặt Trăng phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả lượng bụi trong bầu khí quyển của Trái Đất tại thời điểm xảy ra siêu Trăng máu. Mặt Trăng có thể có màu đỏ sẫm hoặc gần giống với màu xám thông thường.
(Ảnh: Dmitry Potashkin | Getty Images/iStockphoto)
Theo EarthSky, những nơi có thể quan sát nguyệt thực toàn phần là ở châu Mỹ, Đại Tây Dương, châu Đại Dương và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, siêu Trăng Máu sẽ diễn ra sau khi Mặt Trời lặn ngày 26/5, đây là thời điểm thuận lợi cho những người yêu thiên văn trong trường hợp thời tiết tốt.
(Ảnh: Stanimir G Stoev)
Sau thời điểm hoàng hôn, người dân ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Cà Mau có thể quan sát Nguyệt thực toàn phần, Nguyệt thực một phần và Nguyệt thực nửa tối cho đến lúc kết thúc Nguyệt thực. Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc chỉ có thể quan sát Nguyệt thực một phần và Nguyệt thực nửa tối.
Nguyệt thực sẽ diễn ra rất gần đường chân trời, vì vậy nên chọn điểm nhìn ở trên cao thấy rõ đường chân trời để tránh bị che khuất bởi các công trình hay đồi núi.
(Ảnh: Shutterstock)
Tuy nhiên, pha toàn phần sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khá ngắn là gần 15 phút, bắt đầu vào khoảng 18 giờ 18 phút ngày 26/5 (theo múi giờ Việt Nam). Toàn bộ thời gian Nguyệt thực sẽ kéo dài hơn 3 tiếng.
Lần “Siêu Trăng Máu” gần đây nhất xảy ra vào tháng 9/2015.
Duy Huỳnh
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM