Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị thiếu i-ốt nên bổ sung ngay

Người bị thiếu i-ốt nếu không kịp thời phát hiện ra sự bất thường của cơ thể sẽ khiến tình trạng ngày càng nặng nề, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
I-ốt rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể con người. I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormone điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da, lông, tóc, móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động…
Người bị thiếu i-ốt nếu không kịp thời phát hiện ra sự bất thường của cơ thể sẽ khiến tình trạng này ngày càng nặng nề, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe, thậm chí có thể dẫn tới những căn bệnh nghiêm trọng.
Vậy, biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng thiếu i-ốt là gì? Làm thế nào để điều trị tình trạng thiếu i-ốt một cách hiệu quả? Dưới đây là một số thông tin hữu ích mà bạn có thể tham khảo:
Triệu chứng rõ ràng nhất của tình trạng thiếu i-ốt là gì?
Nếu là người trưởng thành, trong giai đoạn đầu thiếu i-ốt, cơ thể người bệnh thường không có những biểu hiện rõ ràng. Khi tình trạng thiếu i-ốt ngày càng nghiêm trọng, người bệnh sẽ bị bướu cổ, khiến sức khỏe của thực quản và khí quản bị ảnh hưởng, kéo theo đó là các triệu chứng như khó thở, khó nuốt,… Một số bệnh nhân còn có thể bị khàn tiếng hoặc ho.
Trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu i-ốt do nhu cầu tăng cao. Nếu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị thiếu i-ốt, bệnh nhân sẽ mắc chứng còi độn địa phương (endemic cretinism). Chứng bệnh này khiến sự phát triển não và xương của trẻ bị ảnh hưởng.

Không những thế, nó còn ảnh hưởng tới hệ thần kinh vận động và sự tăng trưởng của trẻ sau này. Ngoài ra, chức năng của tuyến giáp của trẻ cũng sẽ bị suy giảm vì nếu thiếu i-ốt.

Nếu phụ nữ đang mang thai thiếu i-ốt thì thai nhi cũng sẽ gặp phải tình trạng thiếu i-ốt. Việc thai phụ thiếu i-ốt có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng như khiến thai nhi chết lưu hoặc sinh non, ngoài ra nếu thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Do tác hại của việc thiếu i-ốt là rất nghiêm trọng, nên khi phát hiện cơ thể thiếu i-ốt, phụ nữ mang thai cần bổ sung i-ốt kịp thời.

Làm thế nào để điều trị tình trạng thiếu i-ốt?

Nếu bệnh nhân bị thiếu i-ốt ở giai đoạn đầu và có các triệu chứng rất nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường thì có thể bổ sung i-ốt qua đường ăn uống.

Tuy nhiên, nếu bị phình tuyến giáp thì cần phải đi đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời, sau đó dựa theo lời khuyên của bác sĩ để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhằm kiểm soát tình trạng bệnh. Khi lựa chọn thuốc, bạn cũng có thể dùng các loại thuốc Đông y.

Tuy nhiên, nếu việc sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh phình tuyến giáp không hiệu quả, hoặc tình trạng phình tuyến giáp đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đồng thời khiến bệnh nhân có các biểu hiện bất thường như ho, khó thở… thì nên đến bệnh viện để thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên tiến hành phẫu thuật để điều trị bệnh hay không.

Nhìn chung, khi bị thiếu i-ốt, mỗi nhóm người lại có một biểu hiện khác nhau. Vì thế, nếu thấy cơ thể có những triệu chứng như đã nêu ở trên, thì nên đặc biệt chú ý, nhất là với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Bởi nếu không phát hiện và điều trị tình trạng thiếu i-ốt kịp thời, sức khỏe của người bệnh sẽ bị suy giảm đáng kể, thậm chí họ có thể phải chịu đựng những hệ lụy đáng ngại về sức khỏe kéo dài dai dẳng suốt cuộc đời.

Thanh Huyền/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM