Hải Vân Quan – điểm kết nối con đường di sản miền Trung

Hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đang tích cực triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Hải Vân Quan với kỳ vọng đây không chỉ là điểm kết nối về văn hóa, du lịch giữa 2 địa phương mà còn cả với con đường di sản miền Trung.

Phối cảnh 3D một phần dự án trùng tu Hải Vân Quan. Ảnh: Phan Thanh Hải

Hệ thống cảnh quan đón khách du lịch

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 15 khóa VII, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan. Theo đó, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy di tích Hải Vân Quan là dự án quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế, đã được HĐND tỉnh này phê duyệt chủ trương đầu tư vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2026. Do di tích này đã xuống cấp nghiêm trọng bởi thời gian và thiên tai, nên tỉnh Thừa Thiên Huế xác định cần bố trí vốn kịp thời để khắc phục và sửa chữa. Nguồn vốn để thực hiến dự án được bố trí từ nguồn kinh phí đóng góp 10 tỉ đồng theo biên bản ghi nhớ giữa Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

Trước đó, vào năm 2019, 2 địa phương cũng đã cùng nhau đóng góp 42,3 tỉ đồng (mỗi địa phương đối ứng 50%) để thực hiện Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Việc bảo tồn sẽ tập trung vào các hạng mục, như: Tu bổ, phục Hải Vân Quan, các tường thành nhà Nguyễn, nhà Trú Sứ 3 gian, nhà Vũ Khố 3 gian, phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía Nam; tuyến đường Thiên Lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi Huế.

Đối với đoạn đường nối Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan được làm bằng đá sẽ được xếp theo dấu tích nguyên gốc, tu bổ, phục hồi hệ thống tường chắn đất bằng đá, bậc cấp và nền xếp đá khu vực nhà Trú Sứ và nhà Vũ Khố; tu bổ chống xuống cấp 5 lô cốt; bia chiến thắng Đồn Nhất được điều chỉnh hướng và hình thức kiến trúc bia phù hợp cảnh quan, không gian kiến trúc… Cùng với đó là xây dựng hệ thống cảnh quan để đón tiếp khách du lịch.

“Hiện 2 Sở Văn hóa và Thể thao của Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã và đang phối hợp chặt chẽ để triển khai dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích Hải Vân Quan. Cùng với dự án trùng tu, tôn tạo, các bên cũng đang nghiên cứu, thảo luận nhằm xây dựng một kế hoạch quản lý, phát huy giá trị một cách phù hợp di tích này. Bước tiếp theo là quy hoạch tổng thể cả cụm đèo Hải Vân và các hệ thống thiết chế hạ tầng liên quan”, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Điểm nhấn kết nối

Trong quần thể di tích cố đô, Hải Vân Quan là một di tích đặc biệt, hội tụ đầy đủ những điều kiện tuyệt vời để trở thành một sản phẩm du lịch dịch vụ độc đáo không chỉ của Thừa Thiên Huế hay của hai địa phương đang đồng sở hữu di tích này là Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng, mà còn của Việt Nam nói chung. Di tích kiến trúc hiếm có (cửa quan kinh đô kiêm pháo đài phòng thủ quân sự) gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc trong hàng trăm năm lịch sử; vị trí tuyệt đẹp để ngắm núi, ngắm biển; không gian đủ rộng với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ… Vậy nên sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia vào tháng 4.2017, hai địa phương Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.

Bởi vậy theo ông Hải, dự án trùng tu phục hồi Hải Vân Quan được đặt trong trong một dự án tổng thể, có tầm nhìn bao quát để không chỉ khai thác trực tiếp di tích này mà còn phải xem đó là điểm kết nối về văn hóa, du lịch giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng, và cả con đường di sản miền Trung. Việc quy hoạch bảo tồn và phát huy di tích Hải Vân Quan cần đặt ra cả việc bảo tồn toàn bộ không gian thiên nhiên của đèo Hải Vân và các di tích liên quan; xây dựng các thiết chế hạ tầng phù hợp, hài hòa với cảnh quan khu vực, bao gồm cả hệ thống hàng quán dịch vụ, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe và các dịch vụ du lịch khác; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý rác thải để bảo vệ môi trường, phòng chống hỏa hoạn… Bên cạnh đó, cần phải tính toán kỹ sức chứa của điểm du lịch này để có kế hoạch điều tiết phù hợp khi lượng khách du lịch gia tăng đột biến.

Theo thống kê của ngành du lịch, các năm 2018, 2019, mỗi năm đã có từ 1,6-1,8 triệu lượt khách đến thăm Hải Vân Quan. Dự báo, con số này sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được khống chế tốt, ngành du lịch hồi phục trở lại hoạt động bình thường. “Điều quan trọng nhất là phải bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di tích này một cách bền vững, đồng thời phải biến Hải Vân Quan thành một điểm sáng thực sự về di sản văn hóa, và là biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết hợp tác giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng”, ông Phan Thanh Hải nói.

TH
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM