HẠNH PHÚC ĐƠN GIẢN ĐẾN TỪ SỰ SẺ CHIA

Anh Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi, dù đôi chân không được như người bình thường, anh Kiệt không những tự mình nỗ lực vượt qua khó khăn và sống lạc quan, mà còn truyền động lực, tiếp niềm tin, hi vọng cho nhiều trẻ em và người khuyết tật khác.

Năm lên 3 tuổi, căn bệnh quái ác viêm tủy cắt ngang, liệt dây thần kinh vận động đã cướp mất đôi chân của anh Trần Tuấn Kiệt. Dù bố mẹ đã bán những thứ gì có thể của một gia đình nhà nông nghèo để theo đuổi chạy chữa cho con nhưng đều vô vọng.

Khi tưởng chừng như cuộc đời anh sẽ trôi qua trong sự buồn tẻ và vô vọng thì năm anh 7 tuổi, bố mẹ anh động viên anh đi học cho bằng bạn bằng bè. Con đường đến trường học cách nhà anh 1,5 km. Nhà nghèo không có xe đạp nên dù nắng hay mưa bố mẹ vẫn thay phiên nhau cõng anh đến trường. Thương bố mẹ, anh chú tâm vào việc học. Trong 3 cấp học, anh luôn duy trì được thành tích học tập xuất sắc của mình.

Anh Kiệt tới nay đã sở hữu tới 3 tấm bằng cử nhân của 3 trường đại học khá nổi danh trên cả nước là: Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Huế.

Là một người khuyết tật, anh hiểu hơn ai hết sự khó khăn của gia đình cũng như các em có hoàn cảnh giống mình. Những năm qua, anh tổ chức dạy học miễn phí cho nhiều trẻ em là con em thương binh, tật nguyền và có hoàn cảnh khó khăn như mình. “Tôi rất cảm thông với những gia đình có con em hoàn cảnh giống mình hồi nhỏ. Tôi mở lớp dạy học miễn phí mong rằng sau này chúng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn, làm người có ích và cống hiến cho đất nước”, anh nói.

Vừa học, vừa làm nhưng anh không xao nhãng việc học. Năm 2007, anh đứng ra thành lập và làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật. Bằng nguồn quỹ do các thành viên tự nguyện đóng góp và vận động từ các tổ chức, cá nhân, anh cùng câu lạc bộ thường xuyên thăm hỏi, động viên những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm; tổ chức vui trung thu ngày tựu trường cho trẻ khuyết tật.

Nhìn thấy anh chị em khuyết tật trong câu lạc bộ của mình không có nghề nghiệp và công việc làm, anh đã cùng một vài anh em cùng chung vốn mở cửa hàng phô-tô, vi tính cho người khuyết tật làm. Ở đó, anh vừa là kỹ thuật viên chính, vừa là người đào tạo, hướng dẫn cho các anh chị em khuyết tật.

Thông qua các chương trình như văn nghệ gây quỹ, gửi thư ngỏ và trực tiếp đi vận động, đến nay, câu lạc bộ đã vận động được hàng tỷ đồng để chung tay giúp đỡ người khuyết tật. Câu lạc bộ đã cấp phát hàng nghìn suất quà với tổng trị giá hơn 875 triệu đồng cho người khuyết tật khó khăn trong các dịp Lễ, Tết hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xây các đường tiếp cận… Anh Kiệt cũng tham gia xin dự án từ Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật và Tổ chức CBM hỗ trợ cho người khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, anh thực hiện tốt các dự án của các tổ chức phi chính phủ triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi như: Tổ chức CBM, ACDC, MI, để tạo việc làm bền vững và nâng cao vị thế cho người khuyết tật trong cộng đồng; phục hồi chức năng, chỉnh hình; nâng cao nhận thức, bảo đảm an toàn cho gần 80 nghìn người khuyết tật và gia đình người khuyết tật trong thiên tai; cải thiện về nhà ở, mang lại hạnh phúc lứa đôi cho người khuyết tật.

Hạnh phúc đơn giản đến từ sự sẻ chia, niềm lạc quan và mong muốn cống hiến đã giúp những người khuyết tật như anh Kiệt tự tin vươn lên và giúp ích cho mình, cho đời./.

Anh Trần Tuấn Kiệt cùng với những học sinh của mình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM