Những hãng xe Pháp tại Việt Nam: Chưa tạo nhiều dấu ấn

Trái ngược với những hãng xe cao cấp của Đức, ôtô đến từ Pháp tập trung ở phân khúc bình dân và có độ phổ biến thấp tại thị trường Việt Nam.

Rạng sáng ngày 16/5 (giờ Việt Nam), trận cầu tâm điểm của bảng F thuộc VCK Euro 2020 sẽ diễn ra giữa tuyển Pháp và Đức. Xét về mặt lực lượng hiện tại, “Les Bleus” tỏ ra vượt trội so với “Cỗ xe tăng” Đức và đội bóng áo lam đang là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Euro năm nay.

Tuy vậy, xét ở bình diện thị trường ôtô Việt Nam thì những hãng xe Pháp hoàn toàn lép vế trước các thương hiệu Đức, cả về danh tiếng lẫn sự phổ biến trên đường phố.

Ngoại trừ thương hiệu siêu xe đình đám Bugatti được nhiều người biết đến với duy nhất chiếc Veyron tại Việt Nam, bộ 3 Citroen, Renault và Peugeot đều không phải là những hãng xe có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường khi so sánh với Mercedes-Benz, Porsche, BMW, Audi hay Volkswagen.

Citroen

Nhắc đến ôtô nói chung và xe hơi Pháp nói riêng, Citroen là một trong những thương hiệu đầu tiên kinh doanh và có cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Điểm nhấn đáng chú ý nhất của hãng xe thành lập năm 1919 là việc tham gia lắp ráp các dòng xe Việt Nam La Dalat trong những năm 1970.

Citroen rời thị trường Việt Nam năm 1975 và mất gần 4 thập kỷ mới quay trở lại với nhà phân phối mới và showroom duy nhất tại TP.HCM. Dù từng là tên tuổi quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, mức giá hơn 1 tỷ đồng vào thời điểm năm 2011 cho mẫu xe hatchback cỡ nhỏ Citroen DS3 rõ ràng không thuyết phục được khách hàng.

Citroen thất bại khi phân phối DS3 tại Việt Nam với giá bán hơn 1 tỷ đồng cách đây 10 năm. Ảnh: Citroen.

Thị trường xe bình dân lúc bấy giờ đang thuộc về các mẫu xe Nhật Bản, còn phân khúc cao là nơi các hãng xe Đức chiếm ưu thế, trong khi đó sản phẩm của Citroen lại không có được định vị rõ ràng.

Điều này khiến Citroen đã không thể thành công trong nỗ lực quay lại thị trường cũ và phải rời đi không kèn không trống thêm một lần nữa. Dấu ấn còn lại của Citroen hiện tại chỉ là những mẫu xe cổ được người đam mê sưu tầm và gìn giữ.

Mẫu Citroen DS 21 hơn 50 năm tuổi tại Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Renault

Trong thập niên 2010, Renault là cái tên mở đầu cho xu hướng trở lại Việt Nam của các thương hiệu Pháp. Renault vạch ra kế hoạch dài hạn với mong muốn tạo dựng hình ảnh theo hướng “cận cao cấp”, tức nhỉnh hơn xe phổ thông Nhật, Hàn và tiệm cận với xe sang Đức.

Tương tự Citroen, định hướng sản phẩm của Renault không hề phù hợp với thị hiếu mua xe của người Việt Nam vốn chú trọng đến thương hiệu, độ phổ biến của nhà sản xuất và giá bán hợp lý.

Các dòng xe Renault trước đây có thiết kế nội/ngoại thất kém hấp dẫn. Ảnh: Hân Nguyễn.

Bên cạnh đó, hầu hết mẫu xe Renault được lựa chọn bán ở Việt Nam cũng không được đánh giá cao về mẫu mã, trong khi một số khác lại có giá bán đắt đỏ với lý do được nhập khẩu từ châu Âu. Danh sách có thể kể đến Koleos, Duster, Logan, Megane, Clio, Latitude hay Talisman.

Một thương hiệu xe Đức có xuất phát điểm khá giống với Renault là Volkswagen. Tuy vậy, trong khi Volkswagen dần cải thiện được tình hình thì Renault đã phải rút lui vào năm 2017 vì doanh số ảm đạm.

Ba năm sau khi Auto Motors Vietnam thoái vốn khỏi Việt Nam, Renault có nhà phân phối mới vào tháng 9/2020. Sau hơn nửa năm quay trở lại, Renault chưa có dấu hiệu khởi sắc khi tiếp tục đi vào lối mòn trong cách xây dựng thương hiệu và lựa chọn sản phẩm kén khách.

Renault từng âm thầm rút lui khỏi Việt Nam vào năm 2017 sau thời gian kinh doanh bết bát. Ảnh: Ngọc Tuấn.

Peugeot

Trong số những hãng xe Pháp đã và đang có mặt tại Việt Nam, Peugeot có lẽ là thương hiệu thành công hơn cả, xét cả về độ nhận diện, số lượng dòng xe cũng như thị phần, doanh số tăng trưởng trong vài năm qua.

Thực tế, thời điểm “về tay” Thaco vào năm 2013 thì Peugeot cũng gặp không ít khó khăn. Những mẫu xe thời kỳ đầu như 208, 308, 408 hay 3008 thuộc dải sản phẩm cũ của hãng xe Pháp nên không tạo được lợi thế về mặt mẫu mã, trang bị so với xe châu Á. Ngoài ra, Peugeot cũng không thoát khỏi việc tự đặt mình là thương hiệu châu Âu với giá bán đắt hơn mặt bằng chung của thị trường.

Peugeot 408 từng có giá đề xuất hơn 1 tỷ đồng vào năm 2014 dù thuộc phân khúc C. Ảnh: Hân Nguyễn.

Tình hình phần nào khởi sắc với Peugeot khi Thaco chuyển hướng sang kinh doanh các dòng xe gầm cao trong vài năm qua. Peugeot 3008, 5008 hay mới đây là 2008 gây được ấn tượng tốt nhờ thiết kế trẻ trung, nhiều option và tiện ích. Ngoài ra, Peugeot còn lấn sân ở nhóm xe MPV cỡ trung với Traveller.

Tuy nhiên, giá bán cao hơn các đối thủ vẫn là rào cản lớn khiến các model Peugeot khó lòng tạo bước đột phá về mặt doanh số như kỳ vọng. Lấy ví dụ, tổng lượng xe Peugeot bán ra tính đến hết tháng 5/2021 là gần 2.900 chiếc, kém hơn nhiều khi so sánh với doanh số ôtô du lịch của Hyundai (24.276 xe), Toyota (24.075 xe), VinFast (12.421 xe)…

Mức giá cao khiến xe Peugeot bán chậm hơn các đối thủ. Ảnh: Ngọc Tuấn.

Hoàng Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM