Làm tốt 10 điều này may mắn tự nhiên sẽ đến với bạn

 Bình an là hạnh phúc, biết đủ là phước lành, tâm trong sạch là vận mạng phước đức, ít ham muốn là trường thọ.
1. Biết đủ thì an lạc
Bình an là hạnh phúc, biết đủ là phước lành, tâm trong sạch là vận mạng phước đức, ít ham muốn là trường thọ. Bụng dạ của người trở nên hẹp hòi nếu như chúng ta ham muốn quá nhiều, ngược lại nếu biết tiết chế ham muốn thì tâm lượng sẽ rộng mở. Thà rằng cuộc sống thanh bần mà tự mình vui vẻ, chứ không thể giàu có trong sự bất thiện lo sầu. Chúng ta cần dừng lại những suy nghĩ sâu xa, thay vào đó nên hài lòng trong mọi lúc để có thể nghỉ ngơi một cách thong dong. Không nên ỷ lại vào sức khỏe đang có, phước báu không nên hưởng hết, tiện nghi cũng không nên chiếm dụng quá mức và thông minh cũng không nên tiêu dùng hết. Nước chảy xuyên qua đá không phải là một sức mạnh, mà là một quá trình thời gian lâu dài. Hạnh phúc là xem nhẹ những ham muốn vật chất, vượt qua sự lo lắng sầu muộn của thế gian, và bằng lòng với những gì đang có hiện tại. Giàu có về tinh thần chính là sự giàu có thực sự.
2. Hành thiện mỗi ngày
Phật giáo chủ trương hành trì giới luật, làm các việc thiện, để tích gom phước đức, khai mở cánh cửa trí tuệ, dẫn đến quả vị là giác ngộ thành Phật. Nói cách khác, hành thiện là con đường duy nhất để tu tập và thực hành Phật pháp. Trong kinh, Đức Phật dạy “không làm các việc ác, nên làm các việc lành”, đó đích thực là chơn lý. Người Phật tử ở thế gian, nhịp sống tương đối nhanh, thường ở trong trạng thái bận rộn. Để tu tập thiện pháp, chúng ta cần phải tuân theo nguyên tắc “hành thiện mỗi ngày”, làm như vậy thì công đức vô lượng vô biên. Vì vậy, mỗi ngày làm một việc thiện là một trong những cách tốt nhất để phát triển phước điền.
Mỗi ngày hãy làm việc thiện và tích thiện thành đức. Cho nên, người có tâm niệm làm việc thiện và tích đức, sẽ không dễ dàng bỏ qua cơ hội tốt lành này. Mặc dù điều đó cần phụ thuộc vào môi trường kinh tế của mỗi cá nhân, nhưng chiều sâu của mọi việc thiện không phải cân đo đong đếm bằng tiền, mà lấy chiều sâu của “tâm từ” làm tiêu chí. Tâm biểu hiện ra ngoài bằng hành động thiện đó là sự phát tâm. Phát tâm như thế nào? Sự phát tâm từ bi này cũng giống như tâm của Bồ-tát vậy. Tình yêu, sự tin tưởng và lòng biết ơn, thực ra không cần theo đuổi hình thức, làm mà không nói, nhìn thấu từ những việc nhỏ nhặt, hòa tan vào bên trong mọi ý niệm, không vì cuộc sống tương lai, không vì hưởng thọ kết quả, chỉ vì một ý niệm cầu thiện, như vậy là đã có phước báu rồi.
3. Không nên xét nét chi li
Trong cuộc sống, chúng ta đừng quá xét nét chi li, điều đó chỉ khiến cho tâm mình trở nên tức giận mà thôi. Ngạn ngữ có câu “đời người không sống quá trăm năm, nhưng thường ấp ủ nghĩ nhớ ngàn tuổi. Trăm việc từ tâm mà phát khởi, một nụ cười có thể giải tỏa được ngàn vạn nỗi buồn”. Nếu bạn nghĩ rằng tất cả chúng ta đều lướt qua kiếp sống tạm bợ và chỉ loay hoay trong thế giới hữu hạn này, thì những điều tầm thường có gì đáng để chúng ta phải lo lắng mà bất an sầu muộn?
4. Tâm luôn biết nhớ ơn và khiêm tốn
Một số người trẻ tuổi với gia đình giàu có, thành đạt trong học tập và công việc thuận lợi; thế là, họ tự cho mình giỏi hơn những người khác và nảy sinh tính kiêu ngạo, cho rằng họ có thể tận hưởng vinh quang và sự giàu có trong khả năng của mình. Chính những điều này thường trở thành chướng ngại trong tương lai. Rồi bỗng chốc thất bại, chỉ khi đó họ mới chợt nhận ra sự tầm thường của bản thân.
Cũng có một số nhân tài, bản thân họ có năng lực phi thường, nhưng thường có thái độ biết ơn và khiêm tốn, luôn coi người khác bình đẳng, trân trọng và yêu thương, sẵn lòng cống hiến cho xã hội và mọi người. Có như vậy, họ mới hòa thuận trong gia đình và có một sự nghiệp thịnh vượng. Trên thực tế, sự ban tặng trí tuệ và sự giàu có của “ơn trên” cho con người không phải để họ hưởng thụ bản thân và tiêu xài xa hoa, mà là để giúp đỡ những người nghèo khổ. Nếu bạn càng có thể chia sẻ phước lành với người khác, thì phước lành đó sẽ tồn tại lâu hơn và vô tận. Người xưa cho rằng, chỉ có khiêm tốn mới có thể tích phước. Nếu bạn luôn sống với tâm niệm khiêm tốn và biết ơn, thì vận mệnh của bạn cũng sẽ theo đó mà được cải thiện.
5. Nên đối xử tốt với bản thân
Càng nhiều hạnh phúc, càng ít nỗi buồn; càng nhiều trung thực thì càng ít giả dối; càng nhàn nhã sẽ ít bận rộn. Sống với bốn điều tích cực này là rất quan trọng; với chúng, bạn có thể sống một cuộc sống hạnh phúc trong hiện tại. Người lớn tuổi sẽ biết cách sắp xếp những điều tốt đẹp cho cuộc sống, biết đối xử tốt với bản thân, như vậy thì ắt hẳn sẽ làm cho tâm bạn giàu có.
6. Ít nói, thường rảnh rang; thân bận nhưng tâm nhàn
Ít nói, nhiều rảnh rang; thân tuy bận rộn nhưng tâm nhàn nhã thật sự là điều không dễ thực hiện được. Mấu chốt chính là cái từ “nhàn”. Con người khi đến tuổi già nhất định thì cần nên làm cho tâm mình được nhàn nhã, dĩ nhiên làm một tí xíu công việc trong nhà cũng không sao, nếu việc gì cũng không làm thì cũng chán nản, nhưng đừng để lòng mình chất chứa quá nhiều bận rộn, có chăng nên để cho thân bận rộn, chứ tâm thì phải nhàn nhã.
7. Không nên tự làm khó mình
Hãy thay đổi thái độ để thích nghi với những tình huống khác nhau, làm cho tâm mình cảm thấy thư thái và dễ chịu, cũng đừng bực bội và khó chịu với bản thân khi đối diện những điều bất như ý. Khi về già con người có thể nhìn thấu mọi việc, dù thế nào đi nữa cũng đừng tự chuốc lấy phiền phức, hãy tử tế với chính mình và đừng tự gây thêm phiền não vào thân.
8. Học cách để có được niềm vui
Ở thế gian, người ta theo đuổi nhà cao cửa rộng; mình chỉ cần ngồi trên ghế đá ngắm trăng hoa gió tuyết, say sưa với gió thổi nhè nhẹ, hát một khúc hát, uống một ly trà, tự mình sẽ cảm thấy an vui. Nơi ở thoải mái và tiện lợi thì được rồi, vậy tại sao phải bận tâm với việc phải ở lầu cao hay lầu dưới. Thật tuyệt vời khi nghe một bài hát, uống một tách trà, nâng niu một bông hoa, chăm sóc một chậu rau; tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên như vậy há chẳng phải không tốt sao?
9. Nụ cười trên khuôn mặt
Hãy luôn mỉm cười trong cuộc sống, nên truyền thiện chí và lòng tốt đến mọi người, thì bạn sẽ tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Nếu chưa thể tu theo đạo Phật, trước hết bạn nên kết thiện duyên. Những người thân quen hay xa lạ đều có thể cảm nhận được lòng tốt của bạn. Bằng cách này, tự nhiên bạn sẽ giảm bớt rất nhiều mâu thuẫn và xung đột, cuộc sống sẽ trở nên suôn sẻ và dễ tiếp cận hơn, điều này đã bắt đầu cải thiện vận mệnh của bạn.
10. Giữ tâm thái giản đơn
Nếu tâm thái của bạn đơn giản rồi, thì bạn sẽ có tâm trí để quản lý cuộc sống của mình; nếu cuộc sống của bạn đơn giản rồi, thì bạn sẽ có thời gian để tận hưởng cuộc sống của mình. Chúng ta phải học cách tự quản lý cuộc sống của chính mình, không phải ngày nào cũng lộn xộn, cũng không phải là chịu đựng mỗi ngày, mà là để tận hưởng mỗi ngày, điều này đòi hỏi chúng ta phải có kinh nghiệm quản lý. Trong cuộc sống, có quá nhiều niềm vui và sự bực tức, quá nhiều đau khổ và phiền não. Chỉ bằng cách này, bạn nên sống đơn giản để được hạnh phúc.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM